Dấu ấn của phụ nữ Đà Nẵng trong những ngày “ai ở đâu, ở yên đấy”

Một trong những nhiệm vụ chính của các hội viên Chi hội Phụ nữ trong các khu dân cư là đứng ra đặt hàng, mua hộ nhu yếu phẩm cho tất cả các hộ dân trong khu.
Dấu ấn của phụ nữ Đà Nẵng trong những ngày “ai ở đâu, ở yên đấy” ảnh 1Một điểm bán hàng đường 2-9, quận Hải Châu. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Từ ngày 16/8 đến nay, toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện nghiêm “ai ở đâu, ở yên đấy” với mục tiêu ngăn chặn hoàn toàn chuỗi lây nhiễm dịch COVID-19.

Trong thời gian ở nhà, mọi nhu cầu của người dân như mua thực phẩm, thuốc, xử lý sự cố hư hỏng nhà cửa, máy móc... đều được các Ban điều hành khu dân cư tiếp nhận và giải quyết. Thành phần không thể thiếu trong các ban này là hàng ngàn cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố.

Đi chợ giúp bà con

Một trong những nhiệm vụ chính của các hội viên Chi hội Phụ nữ trong các khu dân cư là đứng ra đặt hàng, mua hộ nhu yếu phẩm cho tất cả các hộ dân trong khu. Dù tình hình dịch COVID-19 vẫn còn rất phức tạp nhưng các chị vẫn không ngại hiểm nguy, ngày ngày lo cho người dân lối xóm từng bó rau, bao gạo...

Là cán bộ Chi hội Phụ nữ số 8, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, bà Cái Thị Mỹ Hiệp tham gia Ban điều hành khu dân cư từ những ngày đầu Đà Nẵng thực hiện giãn cách nghiêm ngặt. Hàng ngày, bà Hiệp cùng hai thành viên khác của Chi hội tất bật “đi chợ” cho hàng trăm hộ dân trong khu. Bà Hiệp lập nhóm Zalo để nhận đăng ký của bà con, sau đó đặt hàng của các đơn vị cung ứng, nhận hàng rồi chuyển đến từng nhà.

Bà Cái Thị Mỹ Hiệp cho biết khoảng một tuần đầu tiên, nguồn cung hàng hóa còn khan hiếm, nhất là các loại rau lá nên để đáp ứng nhu cầu của người dân là khá vất vả. Từ sau khi Công an thành phố Đà Nẵng mở các chợ lưu động, nguồn hàng ổn định hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tự tìm những nguồn hàng đảm bảo khác để cung ứng kịp thời cho các hộ dân. Cộng thêm những đợt hỗ trợ miễn phí của thành phố nên nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân đã cơ bản được đáp ứng đủ. Dù bận rộn cả ngày nhưng người cán bộ này vẫn luôn giữ nụ cười hiền lành. “Bà con thực hiện nghiêm ở nhà là tốt rồi, mình càng phải cố gắng làm tốt việc cung ứng để họ yên tâm, vững tin vào chủ trương của thành phố,” bà Hiệp chia sẻ.

[Đà Nẵng xác định đúng “vùng đỏ” để có biện pháp chống dịch phù hợp]

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, đến nay, mô hình “Đi chợ giúp dân” đã có 5.336 tình nguyện viên là hội viên Hội Phụ nữ, nữ đoàn viên thanh niên, nữ công chức viên chức tham gia.

Các hội viên đều tự đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch; thường xuyên xét nghiệm SARS-CoV-2; đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 và là những cá nhân hoạt động sôi nổi, tích cực. Mỗi tổ dân phố có từ 1 đến 2 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công việc đi chợ hộ với tần suất hỗ trợ là 3 ngày/1 lần/hộ. Có thể nói, hình ảnh các chị đi chợ, phân phối, trao lương thực, thực phẩm đến từng hộ gia đình đã tạo nên những nét đẹp về tinh thần chịu thương, chịu khó, lo toan, trách nhiệm đối với cộng đồng.

Hỗ trợ, tiêu thụ nông sản kịp thời

Kết hợp công tác “Đi chợ giúp dân” với việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị dồn ứ tại các địa phương do dịch COVID-19 là ý tưởng sáng tạo đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, thực hiện.

Theo chị Lê Huyền Trâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang, với đa số người dân đi chợ truyền thống, từ ngày các chợ đóng cửa do thành phố thực hiện “ai ở đâu ở yên đó,” việc cung ứng hàng hóa thiết yếu gặp khó khăn. Một số xã có nông sản đến mùa thu hoạch nhưng gặp khó trong khâu vận chuyển, tiêu thụ. Vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã đã chủ động tạo các đầu mối tiêu thụ nông sản trong huyện, đưa từ các nơi sản xuất đến những nơi có nhu cầu tiêu thụ.

Tính riêng từ ngày bắt đầu giãn cách nghiêm ngặt (ngày 16/8) đến nay, các chị đã tham gia kết nối, tiêu thụ khoảng 10 tấn rau, 10 tấn dưa hấu, hàng tấn nấm, trứng... cho nông dân. Sau khi thu hoạch nông sản, cán bộ phụ nữ xã sẽ nắm bắt nhu cầu cung ứng của từng thôn rồi đề nghị Ủy ban Nhân dân xã dùng xe vận chuyển về các thôn để chia đến các hộ dân.

Chị Lê Huyền Trâm chia sẻ: “Hiện tại, số lượng rau, củ trên địa bàn huyện đã được thu hoạch, tiêu thụ gần hết. Các sản phẩm đảm bảo tươi ngon, sạch lại có giá hợp lý nên rất được ưu chuộng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm cầu nối để tiêu thụ mía xã Hòa Bắc và vịt xã Hòa Phong, phục vụ người dân có nhu cầu.”

Dấu ấn của phụ nữ Đà Nẵng trong những ngày “ai ở đâu, ở yên đấy” ảnh 2Vắng người đi lại nhưng cầu Sông Hàn vẫn giữ cho mình những nét đẹp riêng giữa những ngày “ai ở đâu thì ở đó.” (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang là một trong những vùng trồng mía lớn nhất Đà Nẵng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, đầu ra của mía bị gián đoạn. Để giúp nông dân xã Hòa Bắc thu hoạch mía, ngày 31/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã đặt mua 2.850 chai nước mía (mỗi chai 1,5 lít) tương đương 6 sào mía của nông dân xã Hòa Bắc.

Số nước mía này sẽ được phân bổ về cho Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện và Hội Phụ nữ Công an, Ban Chỉ huy quân sự thành phố từ ngày 31/8 đến 6/9 để tặng cho các tổ trực tại các điểm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; các lực lượng vũ trang và tổ hậu cần đang làm nhiệm vụ hỗ trợ lương thực thực phẩm...

Không chỉ tham gia đi chợ giúp dân, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, các hội viên phụ nữ luôn tiên phong, có mặt trên mọi công tác chống dịch COVID-19.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng," cán bộ Hội và các chị tham gia Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và các Ban điều hành khu dân cư đã phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hội Phụ nữ cơ sở đã huy động 1.562 cán bộ, hội viên hỗ trợ các Tổ xét nghiệm; 1.168 người trực tại các chốt “Vì vùng xanh an toàn” tại các khu dân cư; 757 người hỗ trợ nấu ăn phục vụ các lực lượng tại các điểm chốt; 2.031 người phân phối và vận chuyển những suất quà; 1.428 người giám sát việc phân phối các suất quà đến người dân và nắm bắt tình hình đời sống của nhân dân, các quy định của thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau,” Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã phát động Chương trình “Phụ nữ Đà Nẵng - sẻ chia yêu thương, chung tay phòng, chống dịch COVID-19,” huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ, hội viên và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Tính đến ngày 30/8, các cấp Hội đã huy động hỗ trợ được hơn 7,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ ngày 16-23/8, thành phố Đà Nẵng áp dụng phương châm "ai ở đâu, ở yên đó," Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã đến thăm, động viên các cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương; tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ tại các bệnh viện, điểm chốt; tặng 4.000 suất quà với giá trị 300.000 đồng/suất cho hội viên tại 7 quận, huyện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục