"Trên nông trường không xa lắm/Có đôi chân đi không ngại ngần/Em bây giờ quen mưa nắng/Gánh trên vai vấn vương bụi hồng/Từng vai áo phơi sẽ xanh thêm đời/Bàn tay làm nên những mùa vui/Từ trên đất này những con người mới/Mọc lên tựa tia nắng giữa chân trời... Xa nông trường ra biên giới/Có đôi khi đi không trở lại/Nhưng trong lòng nghe tiếng nói/Những gian nan sẽ đo lòng người..."
"Em ở nông trường, anh ra biên giới" là ca khúc được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác cách đây nhiều năm, trong thời kỳ thanh niên miền Nam xung phong đến các nông trường xa Thành phố Hồ Chí Minh để lao động. Bài hát với những ca từ đẹp, như một sự tri ân đối với những bạn trẻ tự nguyện dâng hiến tuổi xuân cho đất nước.
Cũng trong những năm tháng ấy, ở miền Bắc, hàng chục nghìn thanh niên khắp mọi miền đất nước đã tình nguyện đi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Trên công trường quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó, tất cả đều không quản khó khăn, gian khổ, hăng say lao động tới ba ca, bốn kíp, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.
Ước mơ “điện khí hóa” của cả nước khi đó đã được bàn tay, khối óc và nhiệt huyết của tuổi trẻ dần biến thành hiện thực. Tinh thần tình nguyện, sự vô tư cống hiến sức trẻ đã thắp sáng dòng điện phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, để lại một biểu tượng lao động sáng tạo cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.
Hăng say trong gian khó
Từ cuối năm 1979, theo nguyện vọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao cho đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình - một công trình của thế kỷ 20. Năm 1982, theo đề nghị của Trung ương Đoàn, Hội đồng Bộ trưởng quyết định công nhận công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình là Công trường Thanh niên Cộng sản.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tại công trường này, vượt qua biết bao thách thức, hàng vạn lớp đoàn viên, thanh niên đã góp công, góp sức trẻ xây dựng công trường. Thủy điện Hòa Bình là nơi in đậm ý chí quyết tâm, khát vọng, thể hiện cao nhất tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn để làm việc của thanh niên.
Giữa thời tuổi trẻ sôi nổi ấy, thanh niên Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong hoàn thành nhiều chiến dịch như ngăn sông Đà, thông kênh dẫn dòng, thông hầm xả lũ, đắp tuyến đập chính, chống lũ 90 ngày đêm...
Trong quá trình xây dựng Thủy điện Hòa Bình, 168 người đã hy sinh, trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô. Cũng tại nơi đây, nhiều cán bộ đã được thử thách, rèn luyện, trưởng thành trong gian khó.
Nhớ lại những ngày làm việc quên mình ngay tại quê hương, nơi có công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình, Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng cho biết khi đó bà không biết tiếng Nga, để học lái máy xúc, phương pháp duy nhất là quan sát để làm theo chuyên gia người Nga. Người phụ nữ bé nhỏ đã chiến thắng chính mình khi lái được máy xúc lớn, chỉ một gầu xúc, đất đá đã đầy một xe. Cho dù tại công trường xây dựng thủy điện ngày đó nhiều khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, công việc vất vả, hiểm nguy, nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thúc giục những bàn tay, khối óc biến dòng sông thành điện.
[Từ khát vọng độc lập đến hùng cường: Nguồn sáng của khát vọng phụng sự]
Có những quãng thời gian bà cùng đồng nghiệp làm việc tới 45 ngày công lao động trong một tháng, liên tục mỗi ngày từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm.
"Ngày đó chúng tôi không ai đứng ngoài khí thế chung, làm việc quên hết mệt mỏi, chỉ mong muốn sớm có điện cho đất nước để mỗi gia đình đều được hưởng thành quả. Tôi là nữ nhưng sản lượng làm ra đếm trên chuyến xe còn nhiều hơn các anh em," bà Lê Thị Ngừng tự hào kể.
Hồi tưởng lại kỷ niệm trong những năm tháng ấy, bà Ngừng chia sẻ: "Tôi sợ nhất là một đêm đúng hôm tôi làm trưởng ca, gồm một kíp 5 người, cả thợ điện và người kéo cáp. Mỗi mét cáp nặng 6kg, phải hai người mới chuyển được cáp đi. Nhưng hôm đó bỗng dưng trời 'sập' xuống rất nhanh, xung quanh là núi cao, dưới là hố sâu, cả đội chạy vội lên xe, đánh máy lên nửa chừng thì mất điện, nhưng rất may là vừa xong thì sấm sét, mưa trút xuống. Mưa to làm nước ngập, tôi lội nước ngập lên tận bụng, sau trận đó tôi bị ngấm thuốc mìn trong nước, ốm liệt toàn thân, không cử động được, có lúc còn tưởng mình sẽ chết. Nhưng sau một tháng, tôi cố gắng dậy tập đi, đứng, rồi bình phục, lại như quên hết những gian khổ đã từng, lại khí thế như chưa có chuyện gì xảy ra, làm hăng say lắm."
Sức lôi cuốn từ công trình vĩ đại
Cũng nghe theo tiếng gọi sông Đà, ông Nguyễn Đình Thiết, nguyên Phó ban Thanh niên Công nghiệp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có nhiều năm đóng góp sức trẻ cho công trường Thủy điện Hòa Bình. Suốt cuộc đời này, ông không thể nào quên những ngày, tháng ngăn sông, đắp đê trong mùa mưa bão. Cả công trường làm việc trắng đêm để những tổ hợp công trình ngầm không bị ngập nước.
Nhớ về những kỷ lục được xác lập trên công trường thế kỷ này, ông Thiết cho biết chỉ cần nghe tên gọi của những khẩu hiệu lao động như “Cao độ 81 hay là chết” là cảm xúc về một thời làm việc khẩn trương, hăng say, vượt khó của thế hệ trẻ lúc bấy giờ lại ùa về.
"Khó khăn nhất của những người làm thủy điện nói chung là quá trình ngăn sông. Nếu không tính toán kỹ hoặc không tính toán đúng thời điểm, thời tiết thì rất dễ bị tổn hại. Trước thách thức vỡ mất đê quai, nước tràn xuống sẽ xóa sổ tổ hợp công trình, lúc ấy, cả công trường phải huy động tổng lực để đào đắp, giữ thành quả. Nước lũ về trong đêm tối, chúng tôi làm xuyên đêm. Xe, máy phải làm xuyên đêm, người phải huy động tối đa có thể."
Khó khăn nhiều nhưng vinh dự lớn, nghĩ lại thời gian đó, ông Thiết cười và ví von rằng tinh thần ngày ấy là bài ca của những người trẻ tuổi trên công trường thanh niên cộng sản.
Khó khăn giờ đây đã thành kỷ niệm: "Là chuyên gia dầu khí nhưng vẫn có điều gì đó thôi thúc tôi nhất định phải được đóng góp cho công trình này. Ở đó có sức lôi cuốn của một công trình vĩ đại. Chúng tôi là những người vừa lớn lên, được đào tạo với mong muốn cống hiến chứ không phải những người từng ra mặt trận, nên đây gần như là khởi đầu của một cuộc đời. Động lực lớn cho mọi thanh niên là góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh sau khi đất nước được giải phóng. Mình được tham gia là vinh dự, là may mắn, nhắc tới, tôi vẫn cảm thấy tinh thần đó rạo rực trong người."
Niềm tự hào của cuộc đời
Quyết tâm cao độ, sự sáng tạo, đồng lòng đã làm nên những kỳ tích chinh phục dòng sông Đà. Có lẽ vì thế, với ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Thủy điện Hòa Bình, được góp sức dựng xây đất nước tại công trình vĩ đại này là niềm tự hào lớn trong cuộc đời.
Ông Thang Văn Phúc nhớ lại khi ấy, để thực hiện công trình Thủy điện Hòa Bình, thanh niên đã phát động hàng trăm công trình, phần việc nhỏ, như phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi..., bởi ý thức rằng, đây là một công trình kỹ thuật cao, đòi hỏi sự học tập, rèn luyện không ngừng của đội ngũ thanh niên, công nhân. Thanh niên cả nước cũng đã góp rất nhiều sáng kiến, huy động lương thực, thực phẩm, rau quả chở lên chia sẻ vì Thủy điện Hòa Bình, vì công trường thanh niên cộng sản, tạo ra một không khí quyết tâm rất cao, thể hiện trách nhiệm của những người đoàn viên, thanh niên chinh phục sông Đà đối với cả nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ từng có 10 năm liên tục cống hiến cho công trình này, từ năm 1975-1985. Có khoảng thời gian ba năm liền, mỗi khi Tết đến, vợ con ông đều "gánh gạo, gánh bánh" lên ăn Tết cùng, bởi tinh thần "ba ca, bốn kíp" khi ấy luôn bất kể đêm, ngày.
Hoài niệm về khoảng thời gian hừng hực khí thế làm việc của mình và đồng nghiệp, ông Phúc chia sẻ: "Chúng tôi vừa làm, vừa động viên nhau, tôi cực kỳ thương anh em vì công việc rất căng thẳng. Những chiến dịch chuẩn bị khởi công, những chiến dịch chặn dòng, xây dựng lên tới từng cao độ của công trình, tới các phong trào phấn đấu hoàn thành phát điện tổ máy... Tất cả đều không ngừng trong khoảng 10 năm để tạo ra sự liên tục trong quá trình xây dựng và chinh phục sông Đà."
Công trình Thủy điện Hòa Bình có thể coi là tượng đài của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, cái nôi sản sinh ra một thế hệ thanh niên Việt Nam bản lĩnh, kiên cường, sáng tạo, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp dựng xây đất nước.
Từ hơn 10.000 thanh niên năm 1979, đến năm 1988, đã có 40.000 lao động trẻ trên công trường Thủy điện Hòa Bình. Năm tháng trôi qua nhưng với lớp lớp thanh niên sông Đà ngày ấy vẫn vẹn nguyên một suy nghĩ, được tôi luyện tại những công trình thanh niên cộng sản là điều kiện tốt để mỗi thanh niên thời đại Hồ Chí Minh cống hiến, trưởng thành và có tác phong công nghiệp hiện đại. Xây dựng Thủy điện Hòa Bình là cuộc ngăn sông lịch sử chạy đua với nước lũ lớn nhất thế kỷ 20, in dấu ấn thời đại của lớp đoàn viên, thanh niên trên công trường ngày đó.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước sau này, đã có nhiều công trình thanh niên tiêu biểu như công trường thủy điện Yaly, Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau, Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, các mỏ than thanh niên cộng sản, những Đảo Thanh niên, Làng Thanh niên gắn liền việc phát triển kinh tế với bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Từ những công trường thanh niên cộng sản đầu tiên, cho đến hàng trăm ngàn công trình hôm nay, lớp lớp thanh niên đã tỏa đi khắp mọi miền, tô thêm màu xanh no ấm, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ mãi mãi là một trong những yếu tố quyết định để nuôi dưỡng khát vọng vì một Việt Nam cất cánh, nhất là khi “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay"./.