Dấu hiệu tích cực của kinh tế Italy với lạm phát giảm và niềm tin cải thiện

Trong bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Italy bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế nước này sẽ phát triển vượt xa nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nói chung vào năm 2024.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Milan (Italy). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Milan (Italy). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Italy đã kết thúc năm 2023 với nhiều dấu hiệu tích cực như lạm phát tiếp tục giảm trong khi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên.

Các dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) cho thấy trong tháng cuối cùng của năm 2023, giá cả hàng hóa chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả năm, mức giá trung bình cao hơn 5,7% so với năm 2022. Giá năng lượng có tác động nhỏ hơn, tăng trung bình 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, trong bài phát biểu cuối năm ngày 4/1, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ phát triển vượt xa nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nói chung vào năm 2024.

ISTAT dự báo nền kinh tế Italy sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

Tỷ lệ lạm phát tại Italy lần lượt ở mức 5,9%, 5,4% và 5,3% từ tháng Bảy đến tháng Chín, nhưng đã giảm xuống 1,7%, 0,8% và sau đó là 0,6% trong ba tháng cuối năm 2023, sau khi kế hoạch chống lạm phát của Chính phủ có hiệu lực.

Trong “quý chống lạm phát,” giá tiêu dùng của một loạt nhu yếu phẩm cơ bản đều giảm. Khi kế hoạch cho “quý chống lạm phát” được đưa ra vào tháng 9/2023, chính phủ cho biết vẫn giữ nguyên lựa chọn gia hạn các biện pháp này đến năm 2024.

Cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp của ISTAT cũng cho thấy một dấu hiệu tích cực vào cuối năm, với “sự cải thiện trên diện rộng.”

Trong tháng 12/2023, niềm tin của người tiêu dùng tăng lên 106,7 điểm từ mức 103,6 điểm một tháng trước đó, trong khi niềm tin kinh doanh tăng lên 107,2 điểm từ mức 103,5 điểm trong tháng 11/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.