Sáng 31/10, Đại biểu quốc hội Đinh Duy Vượt chất vấn tân Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về quản lý nhà nước trên môi trường mạng.
Theo đại biểu Vượt, nhiều cử tri phản ánh thực trạng thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, lừa đảo qua mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ Thông tin đã tập trung giải quyết nhưng vấn đề này vẫn gây bất an cho xã hội, vậy giải pháp đột phá là gì?
[Chủ tịch Quốc hội: Ngày chất vấn đầu tiên diễn ra sôi động]
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, do ông Nguyễn Mạnh Hùng mới nhậm chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông chưa lâu nên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ thay mặt Chính phủ trả lời.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Ở tầm Chính phủ thì đây là câu hỏi lớn. Trong thời gian ngắn tôi chỉ xin nêu một ý. Chúng ta đều đã biết trên không gian mạng cơ bản giống như cuộc sống thật. Cuộc sống thật có gian lận, lừa đảo thì trên đó có lừa đảo, cuộc sống thật có đánh bạc, tống tiền thì trên không gian mạng cũng có đánh bạc, tống tiền. Các loại tội phạm và tệ nạn giống như vậy nên nhìn chung chúng ta phải hoàn thiện quy định của pháp luật, không chỉ về quản lý không gian mạng mà tất cả các lĩnh vực pháp luật về quản lý xã hội đều phải lưu ý hình thái phát sinh trên không gian mạng.”
Theo Phó Thủ tướng, điều thứ hai quan trọng đó là vai trò của các Bộ, đặc biệt là Bộ thông tin truyền thông. Đó là có những vấn đề ở cuộc sống thực thì hệ thống pháp luật, quản lý, toàn xã hội nhận biết và đấu tranh với tội phạm dễ dàng.
“Nhưng trên không gian mạng, thông qua giải pháp kỹ thuật gián tiếp, đặc biệt không lưu vết, tội phạm trên không gian mạng tìm cách không lưu vết nên khó phát hiện, nhận diện, đấu tranh hơn. Vì vậy, trách nhiệm của Bộ Thông tin và các bộ liên quan phải làm cho những vấn đề này không thành quá phức tạp, không quá cao siêu mà dễ nhận diện,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đấu tranh này không chỉ với một số cơ quan chức năng mà sự vào cuộc của toàn xã hội, cũng như cuộc sống thực vốn có. Đó là việc cần phổ biến kiến thức, tuyên truyền để toàn dân, tất cả mọi người nắm bắt được xu thế phát triển.
“Hiện nay Hội khuyến học Việt Nam đã lên tiếng nhiều lần, chúng ta tiến tới làm sao mọi người dân Việt Nam đều xóa mù về tri thức công nghệ nói chung, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin,” Phó Thủ tướng chỉ rõ./.