Dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng giá năm tuần liên tiếp

Mặc dù chốt tuần với mức giảm do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư, song đà tăng ấn tượng của hai phiên trước đó đã giúp thị trường năng lượng tiếp tục đón nhận thêm một tuần giao dịch khả quan.
Một giàn khoan dầu ở Mỹ. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Mặc dù chốt tuần với mức giảm do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư, song đà tăng ấn tượng của hai phiên trước đó đã giúp thị trường năng lượng tiếp tục đón nhận thêm một tuần giao dịch khả quan.

Giá dầu liên tiếp đi xuống trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (14-15/3), giữa bối cảnh hy vọng về khả năng các nước sản xuất dầu chủ chốt “đóng băng” sản lượng mờ dần, cũng như những lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - lại "nóng" lên.

Sự hoài nghi của các nhà đầu tư xuất phát từ việc Iran đánh tiếng chưa sẵn sàng thực hiện đề xuất "đóng băng" sản lượng, trong khi cuộc họp giữa các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt nhằm đi đến kết luận cuối cùng về thỏa thuận trên lại bị đẩy lùi sang tháng Tư, thay vì ngày 20/3 như dự kiến trước đó.

Tuy nhiên, bất chấp báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho hay kho dự trữ dầu của nước này trong tuần kết thúc ngày 11/3 lại đầy lên và chạm mức kỷ lục 523,2 triệu thùng, giá dầu thế giới vẫn tăng mạnh trong phiên 16/3 sau khi Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Mohammed al-Sada trấn an thị trường khi khẳng định các nước sản xuất dầu chủ chốt trong và ngoài OPEC sẽ có cuộc họp vào ngày 17/4 tới tại Doha.

Ông Mohammed al-Sada, cũng là Chủ tịch OPEC, cho biết có 15 nước, chiếm khoảng 73% sản lượng dầu toàn cầu, ủng hộ đề xuất trên.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 17/3, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đã vượt lên trên mức 40 USD/thùng lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay. Động lực giúp đẩy giá "vàng đen" tăng trong phiên này là sự mất giá của đồng bạc xanh và tâm lý lạc quan của giới đầu tư về khả năng các nhà sản xuất dầu sẽ đạt được một thỏa thuận tại cuộc họp tới để "đóng băng" sản lượng.

Ngoài ra, theo nhà phân tích Bob Yawger tại Mizuho Securities USA, một nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng khá mạnh của giá dầu trong phiên 17/3 là quyết sách mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Việc Fed lùi lại lộ trình tăng lãi suất tiếp theo đã đẩy đồng USD đi xuống so với các tiền tệ chủ chốt khác, qua đó tác động lên giá dầu - mặt hàng được giao dịch bằng đồng bạc xanh.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đóng góp một phần vào sự đi lên của thị trường dầu mỏ khi tiếp tục đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế và các chính sách tiền tệ lỏng, khiến tâm lý thị trường tích cực hơn.

Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 18/3), giá dầu đã để tuột mất đà tăng trước đó để đảo chiều hạ do hoạt động chốt lời được đẩy mạnh.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 4/2016 giảm 76 cent, xuống 39,44 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2016 cũng hạ 34 cent, xuống 41,20 USD/thùng. Dù vậy, "vàng đen" vẫn chứng kiến tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp khi tính chung cả tuần, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,4% và giá dầu Brent tăng 2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục