Kinh tế các nước Vùng Vịnh lao đao tìm đường sống vì giá dầu thấp

Do ảnh hưởng của giá dầu liên tục đi xuống, nhiều nước Vùng Vịnh đã phải "loay hoay" tìm đường con đường phát triển kinh tế mới như nuôi ngọc trai, hạ lương, tăng công ăn việc làm ở khu vực tư nhân.
Kinh tế các nước Vùng Vịnh lao đao tìm đường sống vì giá dầu thấp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện các nền kinh tế Vùng Vịnh đang gặp nhiều khó khăn. Có tin cho biết Saudi Arabia đang định vay nhiều tỷ USD trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh.

Còn đối với Bahrain, trước khi dầu lửa được phát hiện ở nước này vào những năm 1930, nền kinh tế Bahrain hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào xuất khẩu ngọc trai.

Chính phủ Bahrain giờ đây muốn khôi phục lại hoạt động nuôi ngọc trai để ngành này một lần nữa trở thành một hoạt động kinh tế lâu bền cho Bahrain.

Bahrain cùng với các nước khác ở vùng Vịnh đang cần khẩn cấp đa dạng hoá nền kinh tế.

Ông Jason Tuvey, một chuyên gia thuộc Capital Economics cho biết, Oman cũng gặp khó khăn tương tự.

Ông nói: “Oman và Bahrain là những nơi mà tài chính sẽ bị co cụm rất nhiều trong vài ba năm tới đây. Mức tăng trưởng của các nước này sẽ cực kỳ yếu kém. Ngoài ra, cả hai nước đều phải đối mặt với những mối quan tâm về chính trị."

Dầu mỏ đóng góp khoảng 80% thu nhập của Saudi Arabia. Nhưng nguồn thu này đã bị giảm phân nửa trong hai năm qua.

Ngân sách của Chính phủ Saudi Arabia đang bị thâm hụt nặng và có tin cho biết họ đang tìm kiếm một khoản vay 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, chuyên gia Tuvey nhận định rằng Saudi Arabia không có nhiều rủi ro như các nước khác.

Theo ông, Saudi Arabia đã dành dụm được khá nhiều trong thập niên qua khi giá dầu còn ở mức cao và hiện chọ có vị thế tương đối mạnh để ứng phó với tình trạng giá dầu thấp, ít ra là khi so sánh với các nước sản xuất dầu khác như Nga và Nigeria. Saudi Arabia có thể giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên.

Tuy nhiên, theo ông Tuvey, điều đó có thể gây phương hại cho kinh tế của Saudi Arabia khi đe dọa tới vị thế dài hạn của nước này trên thị trường.

Riyadh đang ra sức cải cách kinh tế bằng cách hạ mức lương và gia tăng công ăn việc làm trong khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Saudi Arabia đã quá quen với sự giàu có do dầu lửa mang lại, nên những thay đổi đó sẽ phải mất nhiều năm mới có thể được thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.