Ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, cho biết trong 20 ngày đầu tiên của năm 2014, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục “chảy mạnh” vào Bình Dương với tổng số thu hút đạt 300 triệu USD, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình thu hút FDI đang diễn ra thuận lợi và có chiều hướng rất tốt. Năm 2014, Bình Dương đặt mục tiêu kêu gọi thu hút 1 tỷ USD vốn FDI. Đáng chú ý, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Kraft Vina (chuyên sản xuất giấy tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát) đã quyết định mở rộng dự án, bổ sung tăng thêm vốn đầu tư 150 triệu USD trong năm 2014.
Trước đó, Giấy Kraft Vina đã giải ngân vốn đầu tư lên đến 180 triệu cho nhà máy tại Bình Dương và đã đưa nhà máy đầu tiên đi vào sản xuất hồi năm 2010.
Theo ông Lê Thanh Cung, để chuẩn bị đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), tỉnh Bình Dương đã thành lập Khu công nghiệp Bàu Bàng có diện tích hơn 300ha để phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài. Khu công nghiệp này được quy hoạch để chuyên kêu gọi thu hút các dự án sản xuất trong lĩnh vực may mặc.
Bình Dương cũng vừa thông qua quy hoạch xây thêm 15 khu công nghiệp tập trung, nâng tổng số khu công nghiệp lên con số 33 vào năm 2020. Hiện trên địa bàn đã có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó có nhiều khu đã lấp kín diện tích thu hút các nhà đầu tư.
Với mục tiêu lấy nguồn vốn FDI làm nền tảng phát triển công nghiệp, Bình Dương chú trọng nâng tầm quan hệ với đối tác, nhà đầu tư nước ngoài bằng việc tập trung giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp; cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Bình Dương chú trọng tập trung cải cách thủ tục hành chính công khai và minh bạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo mặt bằng sẵn có của các khu công nghiệp gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang hấp dẫn nguồn vốn FDI tìm đến Bình Dương.
Mặc dù năm 2013 nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng Bình Dương đã đạt hơn 1,3 tỷ USD vốn FDI, trong đó đã thu hút 125 dự án đầu tư mới với số vốn cấp phép trên 800 triệu USD và 124 dự án đã hoạt động tại tỉnh tiếp tục bổ sung tăng thêm vốn.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.209 dự án vốn FDI với tổng vốn 18,72 tỷ USD. Các dự án đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị; công nghệ cao, điện tử, phụ kiện máy tính, camera, phụ tùng ôtô./.