Đầu tư giảm, Nhật Bản hạ mức tăng trưởng kinh tế quý 4 năm 2020

Số liệu được điều chỉnh thấp hơn mức dự báo tăng trưởng trung bình 12,6% đưa ra trước đó, song cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới gần như đã phục hồi sau cú sốc do đại dịch COVID-19.
Đầu tư giảm, Nhật Bản hạ mức tăng trưởng kinh tế quý 4 năm 2020 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/3, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, kinh tế nước này trong quý 4/2020 (từ tháng 10-12/2020) tăng trưởng 11,7% so với quý trước đó, thấp hơn mức dự báo 12,7% đưa ra trước đó, do đầu tư doanh nghiệp giảm trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản trong quý cuối năm 2020 đã tăng hai con số trong quý thứ hai liên tiếp, sau mức tăng vọt 22,8% trong quý trước đó.

Số liệu được điều chỉnh thấp hơn mức dự báo tăng trưởng trung bình 12,6% do các chuyên gia kinh tế khu vực tư nhân đưa ra trước đó, song cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới gần như đã phục hồi sau cú sốc do đại dịch COVID-19.

Cũng trong quý 4/2020, chi tiêu vốn của Nhật Bản tăng 4,3% so với quý 3, song giảm so với mức dự báo tăng 4,5% được đưa ra trước đó.

[Nhật Bản: Sản lượng công nghiệp phục hồi mạnh, lạm phát tiếp tục giảm]

Số liệu này phản ánh tình hình tài chính doanh nghiệp trong cùng quý do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hồi tuần trước, theo đó đầu tư của các công ty Nhật Bản giảm 0,3% so với 3 tháng trước đó. 

Việc Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh giảm mức tăng trưởng GDP trong quý 4/2020 không làm thay đổi mức dự báo suy giảm GDP thực tế trong cả năm qua.

Trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản trong năm 2020 được dự báo giảm 4,8%, mức giảm lớn thứ hai kể từ khi các số liệu được ghi nhận vào năm 1955.

Đây cũng là lần đầu tiên GDP thực tế của Nhật Bản suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 làm GDP của nước này giảm 5,7%.

Nhiều nhà phân tích dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ rơi trở lại vùng tăng trưởng âm trong quý 1/2021 do ảnh hưởng của tình trạng khẩn cấp phòng dịch COVID-19 áp dụng từ đầu tháng 1 dự kiến làm giảm chi tiêu tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.