Đây là lần thứ 3 vùng Tây Bắc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng các đại biểu đều có chung nhận định, hội nghị lần này có lẽ đông nhất và quy mô nhất vì có sự đóng góp từ phía Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, Bộ ngành, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và các doanh nghiệp lớn đã hội tụ ở Tây Bắc tham dự “Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013”, tìm cách khơi dậy và liên kết tiềm năng phát triển vùng này. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị. "Gập ghềnh"Tây Bắc Tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhận định, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh của đất nước. Đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho hay: Hàng loạt công trình hạ tầng đã hoàn thành và được nâng cấp, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dự kiến thông tuyến vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là năm 2014. Tuyến đường có tầm quan trọng lớn trong việc kết nối Tây Bắc với các địa phương. Do là vùng đặc biệt khó khăn nên các dự án đầu tư vào Tây Bắc đều được hưởng các chính sách ưu đãi lớn về tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng, giao thông nội bộ, điện nước, môi trường. Tuy nhiên, các tỉnh vùng Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn với 44/62 huyện nghèo nhất trong cả nước, địa hình phức tạp, mật độ dân cư thưa, tập quán canh tác còn mang tính tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều nhấn mạnh, rất muốn đầu tư lên Tây Bắc nhưng vì đường giao thông vùng này không thuận lợi, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, nên chưa "mặn mà" đầu tư vào đây. Chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng thừa nhận ở khu vực này có tỷ lệ mặt đường rải nhựa còn thấp, tuyến đường sắt chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, có 2 sân bay thì chỉ có sân bay Điện Biên hoạt động nhưng công suất thấp, máy bay nhỏ, còn sân bay Nà Sản thì bỏ không. “Chúng tôi biết giao thông là nguyên nhân lớn khiến Tây Bắc chưa theo kịp vùng xuôi, mặc dù đã được Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo. Khi mà cơ sở hạ tầng yếu kém thì chẳng hỗ trợ gì nhiều cho phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Thăng giải thích. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, các vùng khác chẳng "mời" thì doanh nghiệp vẫn đến nhưng với Tây Bắc thì không hề dễ dàng. Vấn đề nổi cộm ở vùng này là giao thông, nếu được cải thiện thì sẽ kết nối được Tây Bắc với Thủ đô và các vùng khác. Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Xuân Tiền, lãnh đạo Công ty Cổ phần Giấy An Hòa cho rằng, muốn phát triển Tây Bắc thì không thể duy trì mãi cây trồng manh mún như hiện nay mà phải áp dụng đồng bộ từ cây giống, công nghệ, kỹ thuật. Đi kèm với đó là hệ thống đường giao thông quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, liên xã huyện phải được đưa vào quy hoạch tổng thể của ngành giao thông. “Cứ nói mãi đến phát triển kinh tế nhưng không có đường thì làm sao doanh nghiệp đến được với Tây Bắc,” ông Tiền nói. [460 tỷ đồng tài trợ cho an sinh xã hội vùng Tây Bắc] "Không thể là lời hứa suông" Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, cuối năm nay sẽ hoàn thành tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội – Hòa Bình; Hà Nội – Thái Nguyên. Riêng cuối 2013, sẽ thông xe 29 km đoạn qua Thái Nguyên, còn đoạn qua Hà Nội sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, các đơn vị thi công sẽ hoàn thành tuyến đường kết nối Lào Cai – Lai Châu, Cao Bằng – Lạng Sơn – Trung Quốc. “Đến năm 2020, bộ sẽ triển khai đường sắt qua Đông Anh và đầu tư nâng cấp cảng thủy Việt Trì; còn đường hàng không thì nâng cấp sân bay Điện Biên và khôi phục lại sân bay Nà Sản để tách toàn bộ sân bay quân sự ở Nội Bài lên đó, chấm dứt việc chung đụng sân bay dân sự và quân sự ở Nội Bài,” ông Thăng nói. Riêng đối với lĩnh vực cung cấp vốn tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cam kết: “Toàn bộ hệ thống ngân hàng cam kết cung ứng đủ vốn cho bất kỳ dự án, phương án kinh tế nào, nếu có hiệu quả”. Là một doanh nghiệp đầu tư lớn cho vùng Tây Bắc, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trong những năm qua BIDV đã cung ứng vốn cho nhiều công trình lớn như Thủy điện Hòa Bình, khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên, thủy điện Lai Châu, Sơn La. Cũng theo ông Hà, qua hai lần Tây Bắc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kết quả triển khai các dự án chưa được như kỳ vọng. Hội nghị lần thứ nhất ở Lào Cai (2008), có 500 doanh nghiệp tham dự, với 13 dự án được trao chứng nhận đầu tư, tổng vốn xấp xỷ 3 tỷ USD nhưng đến nay, kết quả thực hiện rất thấp. Hội nghị lần 2 năm 2010 ở Yên Bái, có 600 đại biểu, trao 21 chứng nhận đầu tư, vốn đầu tư trên 12 nghìn tỷ đồng nhưng tốc độ triển khai dự án cũng chậm. Ông Hà chia sẻ, các nhà đầu tư đi cả quãng đường xa xôi đến đây đều mong muốn nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của lãnh đạo các tỉnh chứ không thể là những lời hứa suông. “Các tỉnh cần sớm có cơ chế đặc thù đối với vùng Tây Bắc, cần phải thúc đẩy một cách mạnh mẽ, cần minh bạch và công khai hóa, ưu tiên cái gì, lúc nào có, chứ không phải đợi đến 5 năm sau vẫn không có gì thay đổi,” ông Hà nhấn mạnh. Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cũng tin rằng nếu phát triển những tiềm năng và lợi thế, Tây Bắc sẽ là một trong những nơi mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Theo bà, khu vực này chưa khai thác hết tiềm năng to lớn của mình với nhiều khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm và các nguyên liệu có giá trị trên thế giới. Đại diện WB cho hay, cần khuyến khích thêm khu vực tư nhân cùng nhau thực hiện các dự án trồng rừng. Tuy nhiên, để có sự kết nối giữa tư nhân và nhà nước, theo bà Kwakwa trước tiên phải đẩy nhanh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, mặc dù nền kinh tế cả nước rất khó khăn nhưng lực lượng doanh nghiệp cả nước vẫn dành nhiều quam tâm đầu tư đối với vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, để vùng Tây Bắc phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí vốn các chương trình thiết thực cho vùng này, nhất là lĩnh vực giao thông. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hỗ trợ các tỉnh xây dựng các vùng chuyên canh chè, gỗ, cao su, cà phê, cây ăn quả, thủy sản nước lạnh… và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Còn Bộ Giao thông Vận tải phải nhanh chóng hoàn thành các dự án trọng điểm như cao tốc Hà Nội – Lào Cai: Hòa Lạc – Hòa Bình; Hà Nội – Lạng Sơn, đường Hồ Chí Minh nối với các tỉnh và quốc lộ 2 dưới các hình thức gọi vốn kết hợp giữa nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư khu vực này phát triển./.
Cũng tại Hội nghị lần này, Ban Chỉ đạo đã trao giấy chứng nhận cho 26 dự án đầu tư tại 10 tỉnh Tây Bắc, tổng giá trị 10.623 tỷ đồng; ký cam kết thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 16 dự án tại 8 tỉnh với tổng trị giá 16.816 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại ký thỏa thuận cho vay tín dụng đối với 15 dự án, với tổng trị giá trên 20.078 tỷ đồng.
Trong đó nổi bật là Dự án thu xếp vốn cho Thủy điện Lai Châu 14.500 tỷ đồng, Vietcombank là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn và các ngân hàng đồng tài trợ là Agribank, VietinBank, BIDV.
BIDV tài trợ vốn cho Dự án đầu tư Nhà máy Điôxit Titan, công suất 100.000 tấn/năm tại Thái Nguyên; Agribank Sơn La tài trợ vốn hai nhà máy thủy điện Suối Sập II và Nậm Chim II trị giá hơn 500 tỷ đồng; VietinBank tài trợ Dự án khai thác và tuyển tinh quặng Đồng mỏ Tà Phời tại Lào Cai trị giá 1.700 tỷ đồng; VietinBank tài trợ dự án trồng cao su tại Sơn La trị giá 600 tỷ đồng...
|
Minh Thúy (Vietnam+)