Đầu tư phát triển cảng cạn: ‘Cánh tay nối dài’ của cảng biển

Bộ Giao thông Vận tải sẽ kêu gọi đa dạng hóa các hình thức đầu tư cảng cạn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia.
Đầu tư phát triển cảng cạn: ‘Cánh tay nối dài’ của cảng biển ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa container tại một cảng cạn. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Đầu tư phát triển các cảng cạn sẽ góp phần quan trọng trong tổ chức mạng lưới vận tải, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm ùn tắc đường bộ đồng thời tận dụng ưu thế của đường thủy, đường sắt để trở thành “cánh tay nối dài” của cảng biển đưa hàng hóa vào nội địa.

Cần 24.360 tỷ đồng đầu tư mạng lưới cảng cạn

Tại dự thảo “Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,” Cục Hàng hải Việt Nam cho hay hiện nay, cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 10 cảng cạn (9 cảng cạn khu vực phía Bắc và 1 cảng cạn khu vực phía Nam), 6 cảng thông quan nội địa (cảng ICD) đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định. Tổng khối lượng hàng thông qua 10 cảng cạn đã công bố chỉ chiếm khoảng 10%.

Mặt khác, sau 4 năm thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, các cảng cạn được công bố đưa vào khai thác mới chiếm khoảng 15% tổng số cảng cạn được quy hoạch.

Theo đánh giá của phía Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng tại miền Nam phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa (chiếm 35-40%), hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Các cảng cạn miền Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực miền Nam do thị trường vận tải container đường biển chỉ bằng khoảng 30% so với Miền Nam. Bên cạnh đó, cảng biển khu vực miền Bắc không xảy ra ùn tắc thường xuyên nên hàng hóa không bắt buộc phải trung chuyển qua cảng cạn để đến cảng biển như miền Nam, vì vậy tỷ lệ sử dụng cảng cạn, cảng thông quan nội địa phía Bắc còn thấp.

“Quy hoạch phát triển cảng cạn thời gian gần đây mới được xây dựng nên quá trình triển khai thực hiện còn thiếu tính đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, quy hoạch sử dụng đất...,” ông Nguyễn Đình Việt, quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, đến năm 2025 phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng 20-30% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6-8,7 triệu Teu/năm. Năm 2030 đạt khoảng 25-35% và định hướng đến năm 2050, sẽ phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30-35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

[Đến năm 2030, cảng cạn "cõng" 25-35% hàng hóa xuất nhập khẩu]

Thừa nhận hiện nay chưa có suất đầu tư chung cho việc xây dựng cảng cạn, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc tính toán nhu cầu vốn xây dựng cảng cạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được dựa trên cơ sở nhu cầu diện tích cần đầu tư với chi phí bình quân.

Cụ thể, giai đoạn đến 2025, tổng mức đầu tư dự kiến cho kịch bản cao là 13.600 tỷ đồng và con số này đến năm 2030 ước tính là 24.360 tỷ đồng. Đến giai đoạn năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho cảng cạn có thể lên tới 33.808 tỷ đồng.

Đối với những hạng mục các dự án ưu tiên đầu tư, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tập trung, khuyến khích đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng, cửa khẩu Tân Thanh-Lạng Sơn) và khu vực phía Nam (cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, khu bến cảng Cái Mép-Thị Vải).

“Cánh tay nối dài” vươn sâu vào nội địa

Khẳng định việc đầu tư khai thác cảng cạn hiện nay đều được thực hiện bằng các nguồn vốn xã hội hóa, bởi nhiều thành phần doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, các doanh nghiệp khai thác cảng cạn khác chưa thực sự khai thác hiệu quả vai trò của cảng cạn đối với cảng biển, chủ yếu mới tập trung khai thác dịch vụ logistics kho bãi, vận tải container đường bộ, giao nhận...

Đưa ra giải pháp phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải sẽ kêu gọi đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn bằng các hình thức theo quy định của pháp luật.

[Đến 2030, cần gần 400.000 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển]

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải xem xét áp dụng đầu tư phát triển cảng cạn theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các cảng cạn có quy mô lớn theo hướng Nhà nước tạo điều kiện về quỹ đất, đầu tư kết nối đường sắt với cảng cạn, ban hành cơ chế, chính sách phát triển cảng cạn và tư nhân đầu tư hạ tầng, thiết bị và tổ chức quản lý, khai thác cảng cạn.

Về cơ chế chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ ban hành chính sách về giá, phí tại cảng cạn để nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác cảng cạn; hoàn thiện các quy định về hải quan để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đa phương thức đến, rời cảng cạn; phát triển kết cấu hạ tầng cảng cạn gắn với đường thủy nội địa kết nối đến các cảng biển, giảm tải cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành địa phương quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển hệ thống cảng cạn; lồng ghép giữa quy hoạch cảng cạn và quy hoạch trung tâm logistics trong quy hoạch các địa phương để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, vừa đảm bảo hiệu quả khai thác tối ưu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục