Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ Latinh giảm 16% năm 2014

Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Mỹ Latinh năm 2014 giảm 16% sau 10 năm luôn đạt mức tăng trưởng cao do kinh tế khu vực tăng trưởng chậm và giá nhiều nguyên liệu hay hàng hóa xuất khẩu giảm đáng kể.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ Latinh giảm 16% năm 2014 ảnh 1Bà Alicia Bárcena, Thư ký điều hành CEPAL. (Nguồn: EFE/Archivo)

Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe - CEPAL - ngày 27/5 cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở khu vực năm 2014 đạt 158,803 tỷ USD, giảm 16% sau 10 năm luôn đạt mức tăng trưởng cao. Đồng thời, CEPAL dự báo xu hướng này có thể tiếp tục trong năm nay.

Theo báo cáo được CEPAL công bố cùng ngày tại Chile, việc Mỹ Latinh thu hút ít nguồn vốn FDI trong năm ngoái là do kinh tế khu vực tăng trưởng chậm và giá nhiều nguyên liệu hay hàng hóa xuất khẩu của khu vực trong thời gian qua giảm đáng kể.

Trong giai đoạn 2003-2013, FDI ở Mỹ Latinh đã tăng từ 46,937 tỷ lên mức kỷ lục 189,951 tỷ USD năm 2013. Trong nguồn FDI toàn cầu, Mỹ Latinh chiếm 13%.

Theo bà Alicia Bárcena, Thư ký điều hành CEPAL, các nước Mỹ Latinh không nên quá lo lắng về tình trạng này mà cần tập trung thu hút những nguồn đầu tư FDI phục vụ việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu.

Brazil là quốc gia thu hút nhiều FDI nhất Mỹ Latinh năm 2014, với 62,495 tỷ USD, thấp hơn 2% so với năm trước đó. Mexico ở vị trí thứ hai, với 22,795 tỷ USD, ít hơn năm trước đó 49%. Chile ở vị trí thứ ba, với hơn 22 tỷ USD, tiếp đến là Colombia, hơn 16 tỷ USD và Peru là 7,6 tỷ USD.

CEPAL nhấn mạnh mức sụt giảm FDI tại khu vực này cao hơn so với mức sụt giảm trung bình 7% của thế giới trong năm qua và cảnh báo xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm nay, do giá cả các nguyên liệu thô - mặt hàng xuất khẩu chính của các nước Mỹ Latinh.

Nguồn FDI đổ vào lĩnh vực khai thác tài nguyên giảm đáng kể, từ mức chiếm 23% trong tổng số nguồn vốn thu hút năm 2013, xuống còn 17% năm 2014. Lĩnh vực lắp ráp giữ nguyên ở mức 36% và dịch vụ tăng lên tới 46%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.