Đầu tư và hợp tác phát triển hệ sinh thái Việt Nam-Hoa Kỳ

Không chỉ đầu tư vốn, trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ còn tích cực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đầu tư kinh doanh và trở thành đối tác với doanh nghiệp Việt trong các dự án chiến lược.
Đầu tư và hợp tác phát triển hệ sinh thái Việt Nam-Hoa Kỳ ảnh 1Sản xuất ôtô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn Ôtô Ford của Hoa Kỳ và Công ty Diesel Sông Công). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việt Nam-Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao từ 12/7/1995. Sau 25 năm, hai nước đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực; trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là lĩnh vực có những bước phát triển vượt bậc, vừa là trọng tâm, vừa là động lực phát triển quan hệ tổng thể giữa hai nước.

Hoa Kỳ chưa nằm trong top các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam nhưng được đánh giá là một trong những nhà đầu tư có chất lượng. Với nhiều dự án có giá trị cao, các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ đã tích cực hợp tác, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tham gia đóng góp nhiều hoạt động xã hội.

Từ dự án tỷ USD

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2019, Hoa Kỳ có gần 1.000 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD.

Số dự án đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn khá ít so với các quốc gia khác nhưng quy mô vốn trên mỗi dự án thường lớn hơn. Bên cạnh đầu tư trực tiếp, Hoa Kỳ còn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua nước thứ 3 như Singapore và một số nước châu Âu…

Do đó, nếu xét đầu tư trực tiếp, dù Hoa Kỳ chưa nằm trong nhóm 10 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam nhưng nếu tính tổng vốn đầu tư thì Hoa Kỳ có thể xếp thứ 6 hoặc thứ 7 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam - ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Một trong những doanh nghiệp đầu tư sớm nhất ngay khi Việt Nam-Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao là Cargill - tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và trở thành nhà sản xuất, phân phối thức ăn chăn nuôi, thủy sản lớn nhất tại Việt Nam.

[Tạo thế và lực mới trong hoạt động thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ]

Bà Lê Thị Phương Hoa - Giám đốc Đối ngoại và Quan hệ Chính phủ Tập đoàn Cargill thông tin, trong vòng 25 năm, Cargill Việt Nam đã đầu tư xây dựng 11 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản đặt ở hầu hết các tỉnh thành có thế mạnh về nông nghiệp và chăn nuôi của Việt Nam, từ Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang đến Đồng Tháp.

Cargill đang tiến hành dự án xây dựng nhà máy sản xuất vitamin và khoáng chất bổ sung tại Đồng Nai để cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang nhiều nước châu Á; đồng thời, chuẩn bị đầu tư một trại lợn giống với mong muốn góp phần cải thiện sự ổn định và chất lượng con giống trong chăn nuôi tại Việt Nam.

Theo bà Hoa, Cargill liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam vì môi trường đầu tư liên tục được cải thiện với nhiều nguồn lực phát triển tốt.

Ngoài chế biến, ngành công nghệ Việt Nam cũng thu hút không ít nhà đầu tư Hoa Kỳ; trong đó phải kể đến dự đầu tư xây dựng nhà máy Intel Product Vietnam (IPV) của Tập đoàn Intel vào Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006.

Đây được xem là cột mốc ấn tượng trong hợp tác đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam trong 25 năm qua với giá trị đầu tư của giai đoạn 1 hơn 1 tỷ USD.

Ông Lê Hoài Quốc - nguyên Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, ở thời điểm đó IPV là dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tiên có giá trị đầu tư lớn nhất tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2010, nhà máy IPV không chỉ gây ấn tượng về doanh thu mà còn luôn dẫn đầu về năng suất lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Hiện IPV đang có kế hoạch mở rộng đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2 với số vốn khoảng 1 tỷ USD. Có thể nói, IVP là cú hích có tác động lan tỏa rất lớn cho việc thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao sau đó. Nối tiếp IPV, nhiều doanh nghiệp công nghệ của Hoa Kỳ như JABIL, GES, Rockwell Automation cũng lần lượt đầu tư vào Việt Nam

Việc thu hút doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới, xây dựng hình ảnh của một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế - ông Quốc nhận định.

Hợp tác, hỗ trợ phát triển

Không chỉ đầu tư vốn vào các dự án, trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ còn tích cực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đầu tư kinh doanh và trở thành đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án chiến lược.

Đầu tư và hợp tác phát triển hệ sinh thái Việt Nam-Hoa Kỳ ảnh 2Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị 52 bộ turbine gió của Tập đoàn General Electric (GE) cho Dự án Điện gió Bạc Liêu, ngày 14/12/2013, tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thỏa thuận hợp tác phát triển điện thoại thông minh 5G giữa Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart thuộc Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Qualcomm (Hoa Kỳ) vào tháng 6/2019, là một ví dụ điển hình.

Cụ thể, VinSmart cùng với Qualcomm và một số đối tác công nghệ nước ngoài sẽ hợp tác trong dự án sản xuất điện thoại 5G “Made in Vietnam” hướng tới khách hàng tại các thị trường hàng đầu là Mỹ, châu Âu và các thị trường khác trên toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, hợp tác với Qualcomm sẽ giúp VinSmart trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại 5G đầu tiên trên thế giới, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia tiên phong ứng dụng và sản xuất thiết bị hỗ trợ 5G; đồng thời giúp VinSmart tiến thêm một bước quan trọng trong việc làm chủ chuỗi cung ứng và sản xuất, tiến tới mục tiêu cung cấp các sản phẩm điện tử thông minh, chất lượng.

Việc hợp tác với những “người khổng lồ” trong thế giới công nghệ như Qualcomm không chỉ rút ngắn thời gian sản xuất, thương mại hóa sản phẩm mà còn chính là cơ hội tốt để đội ngũ kỹ sư Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt công nghệ mới, tiến tới mục tiêu phát triển những các sản phẩm công nghệ một cách độc lập.

Qua đó, khẳng định tinh thần tiên phong, đi tắt đón đầu của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra bước đột phá cho thị trường công nghệ tương lai - ông Nguyễn Việt Quang chia sẻ.

Không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, Qualcomm còn đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ Việt Nam bằng cách cung cấp cho các công ty khởi nghiệp công nghệ địa phương cơ hội để phát triển ý tưởng sáng tạo.

Cụ thể, từ tháng 12/2019, Qualcomm đã khởi động Cuộc thi “Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam” (QVIC) nhằm hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ sáng tạo và khuyến khích họ thiết kế các sản phẩm mới trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, IoT (internet kết nối vạn vật), học máy/trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, các thiết bị đeo và thực tế ảo (VR).

Tiến sỹ An Mei Chen - Giám đốc kỹ thuật cấp cao Tập đoàn Qualcomm nhấn mạnh, doanh nghiệp này mong muốn là chìa khoá và là người cộng sự lâu dài cùng Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế khu vực.

Cuộc thi “Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam” như một lời cam kết của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái công nghệ kỹ thuật trong nền kinh tế của Việt Nam; đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm đổi mới công nghệ kỹ thuật của khu vực.

Với Tập đoàn Cargill, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục. Từ năm 1997, Cargill đã bắt đầu chương trình xây dựng trường học tại các vùng nông thôn Việt Nam.

Đến nay, Cargill Việt Nam đã xây dựng được 95 trường học cho 15.000 trẻ em. Mục tiêu hướng tới của Cargill là hoàn thành ngôi trường thứ 100 cho Việt Nam vào năm 2020 để phục vụ cho 17.000 học sinh.

Song song với việc xây dựng trường học, Quỹ từ thiện Cargill Cares của Cargill còn thực hiện nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác như cứu trợ nạn nhân thiên tai bão lụt, cung cấp trang thiết bị cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật, trao học bổng và trang thiết bị học tập cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ sinh viên tài năng nghiên cứu khoa học, tài trợ cho các cơ sở thực nghiệm thú ý, các trường đại học.

Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Cargill cũng là một trong những doanh nghiệp nước ngoài tích cực ủng hộ tài chính phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Số tiền hơn 1,5 tỷ đồng được huy động từ Quỹ Dự phòng thuộc Cargill Cares, đóng góp của nhân viên và các đơn vị kinh doanh của Cargill tại Việt Nam đã được trao trực tiếp cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm hỗ trợ các chi phí về trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán và chăm sóc, chữa trị cho bênh nhân COVID-19 tại Việt Nam.

Có thể thấy, trong suốt quá trình đầu tư và phát triển tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ không chỉ đóng góp lớn về hàm lượng công nghệ cao, giá trị doanh thu, xuất khẩu mà còn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các dự án vì cộng đồng, chia sẻ lợi ích và tạo sự gắn bó giữa nhà đầu tư với con người, đất nước Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.