Số lượng cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội đang tăng nhanh theo từng năm và ngày càng được đào tạo bài bản hơn. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đáp nhu cầu của người dân, đội ngũ những người làm công tác xã hội vẫn cần phải chuyên nghiệp hơn và tăng về số lượng.
Đây là nhận định được đưa ra tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày công tác xã hội thế giới (ngày 12/11) lần thứ 18 với chủ đề: “Công tác xã hội Việt Nam – Thách thức tính chuyên nghiệp trước nhu cầu hội nhập và phát triển” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Dự án hỗ trợ phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam, Đại học Công đoàn tổ chức ngày 11/11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Bản thân nghề công tác xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, do đó cần tập trung đào tạo kỹ năng cho đội ngũ làm công tác xã hội. Đặc biệt, họ cần được nâng cao trình độ chuyên môn, cần tận tâm, tận lực và tận tụy mới công tác này. Thành công của công tác xã hội không phải chỉ ở chỗ chúng ta có trình độ nghề nghiệp tốt mà quan tọng là chúng ta phải có một tấm lòng.”
Thực tế, trong những năm gần đây, việc đào tạo nghề công tác xã hội để chuyên nghiệp hóa nghề này đang ngày càng chú trọng. Nếu năm 2010, chỉ có 2 cơ sở đào tạo chuyên ngành công tác xã hội, đến nay đã có 55 trường cao đẳng, đại học và 21 cơ sở dạy nghề đào tạo chuyên ngành này. Hàng năm, hơn 10.000 lượt cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ.
Hiện nay, cả nước đã hình thành và phát triển được 408 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 34 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Các tỉnh thành phố trên cả nước đã hình thành và phát triển mạng lưới 80.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội trợ giúp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm…
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhận định, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nghề công tác xã hội vẫn còn những hạn chế. Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cấn bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng và thiếu chuyên nghiệp. Vị trí nghề công tác xã hội của nhiều địa phương còn hạn chế.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần tập trung đào tạo nghề công tác xã hội theo hướng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ nhân viên công tác xã hội. Việc quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cũng cần được chú trọng, tập trung hướng tới công tác xã hội trong lĩnh vực y tế, trường học… và hỗ trợ các đối tượng người lao động, trẻ em ở khu công nghiệp, khu chế xuất, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo.../.