Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề lao động động di cư trái phép. Đặc biệt, theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế để ngăn ngừa tình trạng di cư trái phép.
Ngày càng phức tạp
Theo báo cáo về tình hình di cư lao động của Bộ Công an và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là các hộ nghèo với trình độ lao động thấp, vì vậy họ dễ bị những cò mồi lừa đảo tham gia các đường dây đưa người sang làm việc trái phép tại một số nước không có chương trình hợp tác về lao động của Chính phủ, điển hình là một số nước châu Âu, Australia, Angola…
Mặt khác, do đặc điểm địa lý Việt Nam có biên giới tiếp giáp với ba nước nên việc đi lại, làm việc theo mùa vụ qua các đường mòn tiểu mạch thường xuyên diễn ra và khó quản lý. Tình trạng lợi dụng chính sách miễn thị thực giữa các nước ASEAN để đi du lịch, sau đó ở lại kiếm việc làm hoặc tìm cách đi các nước thứ ba cũng thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh đó, Việt Nam có bờ biển dài, việc quản lý tàu thuyền của ngư dân cũng gặp khó khăn, một số đối tượng ở trong và ngoài nước đã tổ chức đưa người di cư trái phép đến Australia bằng đường biển qua Indonesia. Việc ra đi chủ yếu do các đường dây tổ chức có sự móc nối ở trong và ngoài nước để thu lời bất chính.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đã xuất hiện người nước ngoài di cư trái phép đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động nước ngoài không đúng với quy định của Luật Lao động, không chấp hành quy định của pháp luật, không đăng ký mục đích hoạt động với cơ quan chức năng, cư trú bất hợp pháp gây phức tạp cho công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Philippines là một trong những nước xuất khẩu lao động lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á có rất nhiều kinh nghiệm để tăng cường xuất khẩu lao động và quản lý tài chính xuất khẩu lao động. Tại hội thảo về "Đẩy mạnh hợp tác và nỗ lực khu vực trong việc ngăn ngừa di cư trái phép và bảo vệ quyền của lao động di cư" do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ủy ban người Philippines ở nước ngoài (CFO) và Trung tâm Quốc tế về chính sách phát triển di cư (ICMPD) vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện Philippines đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý lao động di cư với đại diện 10 nước ASEAN và đại diện các bộ, ngành của Việt Nam tham dự hội thảo.
Bà Imelda Nicolas, Chủ tịch Ủy ban người Philippines ở nước ngoài cho biết, chính phủ Philippines có chính sách hỗ trợ lao động di cư hợp pháp trở về như hỗ trợ vay vốn để lập nghiệp hay hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động nhằm khuyến khích họ về nước đúng hạn khi hết hạn hợp đồng. Đặc biệt, ở Philippines, người đi lao động ở nước ngoài phải được đào tạo trước khi đi bằng các chương trình đặc biệt của chính phủ và được chính phủ hỗ trợ kinh phí đào tạo.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng Việt Nam đang cần có những sự thay đổi mạnh mẽ trong việc ngăn ngừa di cư lao động trái phép; những chính sách của Philippines rất thiết thực và có khả năng hạn chế được tình trạng lao động di cư trái phép ra nước ngoài. Việc đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài của Philippines cũng có thể là bài học kinh nghiệm thiết thực đối với Việt Nam để cải thiện chất lượng lao động.
Liên quan đến vấn đề di cư lao động trái phép, theo kinh nghiệm của các nước Liên minh Châu Âu thì đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nước đi và đến là yếu tố quan trọng. Các nước phải tăng cường đối thoại nhằm ký kết các thỏa thuận về di cư với các bên liên quan để hạn chế, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc di cư lao động trái phép.
Đồng tình với quan điểm tăng cường hợp tác thỏa thuận với các nước tiếp nhận, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) cho rằng việc quan trọng hiện nay là tích cực hợp tác với các nước để giải quyết các vấn đề về lao động cư trú trái phép nước theo các thỏa thuận song phương. Hiện tại, Việt Nam đã ký thỏa thuận song phương với 17 nước về nhận trở lại công dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tăng cường trao đổi thông tin xuất nhập cảnh với các nước để chống đưa người di cư trái phép, buôn bán người, tập trung trao đổi thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, các trường hợp mạo danh, các đối tượng tổ chức đưa người di cư trái phép.
Hiện tại, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin xuất nhập cảnh với Australia, Anh, Nga và đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả người di cư bất hợp pháp.
Ông Đào Công Hải cũng nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện các văn bản pháp luật về lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như hướng dẫn về ký quỹ, xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, thắt chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động.... Đây sẽ là những cơ sở luật pháp để cải thiện tình trạng di cư lao động trái phép trong thời gian tới tại Việt Nam./.