Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong Tháng khuyến mại tập trung quốc gia

Hàng hóa, dịch vụ trong Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022 (kéo dài từ ngày 15/11 đến 22/12) sẽ được giảm giá tối đa 100% thay vì 50% tùy vào lựa chọn và điều kiện của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong Tháng khuyến mại tập trung quốc gia ảnh 1Tháng Khuyến mại tập trung quốc gia 2022 diễn ra từ 15/11-22/12. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã chính thức phát động Chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022.

Theo đó, trong thời gian tổ chức Chương trình từ ngày 15/11 đến 22/12, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam có thể chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến mại mà trong đó hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn của doanh nghiệp, thay cho việc bị giới hạn ở mức 50%.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian qua, thương mại, dịch vụ, du lịch của đất nước đã có những phục hồi tích cực, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đạt khoảng 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

[Hàng hóa được giảm tới 100% trong tháng khuyến mại tập trung quốc gia]

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Tính chung 10 tháng năm 2022 cả nước có 178,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo trong thời gian tới tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, gia tăng khả năng suy thoái kinh tế; cạnh tranh chiến lược và xung đột quân sự tại một số khu vực tiếp tục gay gắt...

Tình hình trong nước theo đó sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội, thuận lợi, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý 4/2022 và năm 2023.

Do vậy, để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện các hoạt động kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 130/NQ-CP, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1183/QĐ-BCT về việc tổ chức Chương trình “Tháng Khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022.”

Nhấn mạnh thêm, theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Hiệp hội, ngành hàng và các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan để tổ chức, hưởng ứng tham gia Chương trình, đồng thời phát động thực hiện Chương trình tại các địa phương trên toàn quốc.

“Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022 sẽ là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã đề ra, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế,” ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong Tháng khuyến mại tập trung quốc gia ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Lễ phát động Tháng Khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin thêm, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Chương trình năm 2022 sẽ tiếp tục mở ra một “mùa đặc biệt” trong năm 2022 để tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam có cơ hội thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến mại.

"Các doanh nghiệp theo đó sẽ chủ động xây dựng chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp," ông Vũ Bá Phú cho hay.

Về phía Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết hưởng ứng chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 thành phố tiếp tục triển khai Tháng khuyến mại tập trung, Tháng khuyến mại Hà Nội diễn ra trong tháng 11/2022 với các sự kiện chính, gồm: sự kiện “Hà Nội siêu hội mua sắm-Hanoi Mega sale;” Tuần Hàng Việt diễn ra tại Sơn Tây, Long Biên; Hội chợ Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích...

Trong suốt thời gian diễn ra Chương trình Khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2022, các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước sẽ được tổ chức với mong muốn đem đến cho người dân cả nước và các du khách trong nước, quốc tế cơ hội trải nghiệm nhiều hình thức mua sắm những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp với nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn đến từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối uy tín trong các lĩnh vực./. 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 đã thu hút được hơn 27.450 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2021, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia có sự tham gia của hơn 56.410 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 458,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Những kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công các nhiệm vụ của Bộ Công Thương được Chính phủ giao tại các Nghị quyết của Chính phủ về kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu hàng hóa để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.