Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm hạn chế trở ngại cho địa phương

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về vấn đề phân cấp, phân quyền và giải pháp cân đối, đảm bảo tập trung nguồn lực ngân sách Nhà nước.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm hạn chế trở ngại cho địa phương ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024.

Nhiều đại biểu đã cho ý kiến về vấn đề phân cấp, phân quyền và giải pháp cân đối, đảm bảo tập trung nguồn lực ngân sách Nhà nước.

Tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho địa phương

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng để tạo điều kiện chung cho một tỉnh, một vùng có thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, cần một hệ thống cơ chế, thể chế hoàn chỉnh, thống nhất và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đặc biệt về các lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, đầu tư.

Tuy nhiên, theo đại biểu tỉnh Bắc Kạn, thực tiễn cho thấy “có những quy định thật sự là trở ngại cho địa phương trong quá trình phát triển.”

[Chính phủ cần có chính sách tổng thể, tránh ‘đứt gãy’ nền kinh tế]

Đại biểu nêu ví dụ: Luật Lâm nghiệp quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ dưới 20 ha, rừng sản xuất dưới 50ha và không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác quy định tại khoản 2, Điều 14 Luật Lâm nghiệp. Như vậy, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ không phân biệt diện tích.

Bên cạnh đó, đối với các tỉnh miền núi có diện tích rừng và đất rừng chiếm tỷ lệ lớn, quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông không tránh khỏi việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng tự nhiên.

Thời gian thực hiện thủ tục kéo dài qua nhiều bộ, ngành có liên quan tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư, vượt thời gian thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho địa phương, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh về nội dung này.

Cụ thể, đối với các công trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao cho Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác không phân biệt quy mô diện tích; đối với các công trình, dự án khác, giao Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên dưới 20ha.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm hạn chế trở ngại cho địa phương ảnh 2 Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình Đặng Bích Ngọc phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, quản lý bảo vệ rừng, thủ tục đầu tư trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được Trung ương phê duyệt; đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, trong đó tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính phân cấp cho địa phương.

Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách và nợ công

Bên cạnh đó, để kiềm chế lạm phát, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và trong năm 2022, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chương trình tổng thể về phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, sớm quyết định các gói hỗ trợ tài chính, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo đà vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời hoàn thành các thủ tục hành chính để phân bổ nguồn vốn thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022.

Theo báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, còn lại 47 tỉnh phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước hạn hẹp và dự báo khả năng dư địa tăng thu của địa phương không nhiều, ngân sách trung ương tiếp tục phải hỗ trợ, các địa phương chưa thể tự cân đối ngân sách, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng cần chủ động cân đối, đảm bảo tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước, ngân sách Trung ương đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia.

Đại biểu đề nghị tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; khẳng định vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và sự nghiêm túc, chủ động của ngân sách địa phương theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước; quán triệt, phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế; khuyến khích liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong thúc đẩy phát triển vùng; đồng thời sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để phân định rõ hơn quyền và trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, qua đó tăng tính chủ động và trách nhiệm của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục