Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường cho nông sản Lâm Đồng

Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc vào ngày 23/8 và sẽ kéo dài đến hết ngày 29/8.
Nhiều nông sản, đặc sản Lâm Đồng được trưng bày tại sự kiện. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngày 23/8, tại Showroom Xuất khẩu (92-96 Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (TIPC) đã khai mạc “Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.”

Ông Nguyễn Vĩnh Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Lâm Đồng cho biết với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, Lâm Đồng là địa phương có thế mạnh trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông sản.

Cả tỉnh hiện có trên 367.000ha gieo trồng đa dạng các loại rau, hoa, trái cây; trong đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt trên 68.000ha.

Song song đó, Lâm Đồng cũng phát triển nhiều sản phẩm chế biến độc đáo như trà, cà phê, rượu vang, mứt mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất cao nguyên.

Thời gian gần đây, Lâm Đồng tập trung phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh; xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Lâm Đồng hiện có 352 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và 22 chứng nhận nhãn hiệu độc quyền và tiêu biểu là nhãn hiệu “Đà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đại diện cho bốn nhóm sản phẩm gồm rau, hoa, càphê Arabica và du lịch canh nông.

Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường tiêu thụ lớn và là trung tâm kết nối thương mại cho cả khu vực phía Nam.

“Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của Lâm Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh” là cơ hội để các sản phẩm OCOP cùng những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của Lâm Đồng được tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng tại thị trường sôi động bậc nhất cả nước - ông Nguyễn Vĩnh Quảng nhận xét.

Chuỗi hoạt động triển lãm và Hội nghị kết nối thương mại và đầu tư doanh nghiệp Lâm Đồng-Thành phố Hồ Chí Minh còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp,cơ sở sản xuất của Lâm Đồng tìm hiểu thông tin thị trường, tìm đầu mối đưa hàng hoá vào hệ thống phân phối, bán lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại những thành phố lớn, hướng đến xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định để phát triển bền vững.

Ông Lương Hữu Phú Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Nguyên Long (Lâm Đồng), chia sẻ Lâm Đồng có lợi thế về thời tiết và thổ nhưỡng để sản xuất đa dạng các loại nông sản nhiệt đới, cận nhiệt đới và một số loài ôn đới.

Tận dụng ưu thế đó, Công ty tổ chức sản xuất và chế biến các sản phẩm nấm bào ngư, nấm hương có giá trị dinh dưỡng cao với chi phí thấp hơn so với địa phương khác. Hiện tại sản phẩm đang được phân phối tại các nhà hàng chay ở Lâm Đồng và xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tham dự Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của Lâm Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nhiều người tiêu dùng, hệ thống phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đại biểu tham quan các gian hàng. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp cũng cập nhật thêm nhiều thông tin, nhu cầu thị trường, từ đó vạch ra kế hoạch phát triển hiệu quả. Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC cho rằng: “Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Lâm Đồng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, giúp người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.

Thông qua sự kiện này, ITPC mong muốn doanh nghiệp, hợp tác xã có thêm nhiều khách hàng, đầu mối tiêu thụ, góp phần cân đối cung-cầu hàng hoá, kích cầu người tiêu dùng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của hai địa phương.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực chủ động hợp tác và liên kết vùng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên; trong đó có tỉnh Lâm Đồng, góp phần mở rộng không gian phát triển của Thành phố và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững chung. Theo đó, các địa phương vùng Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất tăng cường hợp tác kinh tế-xã hội trong 5 lĩnh vực trọng tâm gồm: Du lịch, thương mại, nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế và giáo dục.

“Riêng hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch.

Vì vậy, thời gian tới, hai địa phương sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư vào dự án trọng điểm, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương,” ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh.

Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kéo dài đến hết ngày 29/8.

Trong khuôn khổ tuần lễ này sẽ diễn ra hội nghị kết nối thương mại đầu tư giữa doanh nghiệp Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất của Lâm Đồng kết nối trực tiếp với bộ phận thu mua của hệ thống phân phối lớn, sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục