Ngày 13/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đề xuất sản phẩm tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử đối với 177 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3-5 sao và 31 sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Cụ thể, các sản phẩm được đề xuất thuộc nhóm hàng may mặc, đồ uống, thực phẩm, trang trí nội thất… được sản xuất tại các địa phương trong tỉnh; trong đó thành phố Đà Lạt có 57 sản phẩm với các mặt hàng tiêu biểu như hồng treo gió, dâu tây tươi, trà atiso, khoai tây Đà Lạt, càphê arabica Cầu Đất, một số loại củ quả cấp đông…
Các sản phẩm còn lại thuộc địa bàn huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc với mặt hàng sử dụng tươi và cả sau chế biến như hạt mắc ca sấy, cà chua sấy, bột rau củ các loại, nước cốt phúc bồn tử, rau củ quả sấy giòn…
Ngoài sản phẩm xếp hạng OCOP, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đề xuất các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên sàn thương mại điện tử như hoa cắt cảnh các loại (sản lượng 3,8 tỷ cành/năm), rau các loại (sản lượng 2,7 triệu tấn/năm) và một số loại nông sản như chè, càphê nhân, sầu riêng, bơ.
Theo thống kê năm 2022, kinh tế số của Lâm Đồng có những bước tiến mới và đã hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Cụ thể, số hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ trên 74.000 hộ; trong đó có hơn 800 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ.
[Lâm Đồng công nhận vùng sản xuất càphê ứng dụng công nghệ cao]
Ngày 24/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 148/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product), gọi chung là Bộ tiêu chí OCOP.
Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm gồm 6 nhóm sản phẩm thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Bộ Tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần: Phần A: Các tiêu chính đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm) gồm tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.
Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm) gồm tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm.
Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm) gồm chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
Phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí OCOP. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng.
Cụ thể, hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90-100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu; hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao; hạng 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao; hạng 2 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm, sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, có thể tiếp tục nâng cấp lên hạng 3 sao; hạng 1 sao có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.
Về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương; Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành./.