Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, lực lượng chức năng và 28 tỉnh, thành phố ven biển cùng nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng và đặc điểm, điều kiện cụ thể.
Cũng từ đó, việc thực thi Luật Cảnh sát Biển Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo.
Nắm rõ, thực hiện đúng các quy định pháp luật
Trở về đất liền từ vùng biển khơi của Tổ quốc, ngư dân Nguyễn Văn Thân, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết xã có 8 thôn, có 6 thôn làm nghề đánh bắt hải sản. Nghề biển dù gian nan và thăng trầm, nhưng người Kỳ Xuân luôn gắn bó với biển. Hiện tại, toàn xã có trên 600 hộ dân làm nghề biển với 160 thuyền đang hoạt động. Thu nhập bình quân của mỗi gia đình làm nghề biển từ 6-15 triệu đồng/tháng, tùy vào thời điểm trong năm.
Ông Nguyễn Văn Thân kể, từ hơn 30 năm nay, ngư dân Kỳ Xuân có sự thay đổi lớn về phương tiện đánh bắt. Thay thế những thuyền chèo truyền thống là những thuyền máy với công suất lớn hơn, ngư trường cũng xa hơn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc.
Ngư dân này cũng cho hay trước đây, bà con vươn khơi bám biển chưa lắp đặt máy phát tín hiệu giám sát hành trình tại các tàu cá nên có thể gặp rủi ro. Song, từ khi được lực lượng chức năng phổ biến các quy định, chính sách pháp luật, ngư dân địa phương đã lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình theo quy định và bật liên tục trong quá trình hoạt động trên biển. Ngư dân luôn đánh bắt đúng ngư trường theo giấy phép khai thác đã được cấp. Chính vì vậy, hiệu quả đánh bắt tăng lên rất rõ và các ngư dân có thể hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro.
"Giờ đây, chúng tôi ra khơi là biết phải tuân thủ nghiêm Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tuân thủ pháp luật cũng là yên tâm bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc," ngư dân Nguyễn Văn Thân cho hay.
[Cảnh sát Biển Việt Nam nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế]
Ngư dân Trần Trung Nam, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, chủ tàu cá PY-96201TS cho biết tàu cá của anh có chiều dài trên 15m, công suất 75CV. Để đảm bảo các thủ tục xuất cảng, anh Nam đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá của mình và thực hiện vận hành thiết bị theo đúng quy định, không tự ý ngắt kết nối. Khi thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng, anh Nam chủ động đưa tàu cá quay về cảng trong vòng 10 ngày để báo cáo, sửa chữa rồi mới tiếp tục vươn khơi.
Cũng theo ngư dân Trần Trung Nam, anh và bà con ngư dân trên địa bàn Phú Yên thường xuyên được lực lượng chức năng, trong đó có Cảnh sát Biển tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động ngư dân vừa lao động sản xuất, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với việc được phổ biến pháp luật Nhà nước, ngư dân còn được tuyên truyền, giới thiệu về Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ngư dân vững tin hơn trước rất nhiều.
Khi ngư dân thực hiện đúng các quy định về khai thác thủy sản, đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống của mình và không xâm phạm vùng biển nước ngoài, không còn cảnh lực lượng nước ngoài cắt, phá lưới ngư cụ, không dám chặn bắt tàu thuyền của chúng tôi. Vì thế, bà con rất yên tâm khi đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển xa thuộc chủ quyền của Việt Nam, anh Nam chia sẻ.
Chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật trên biển
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát Biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023," Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố ven biển cùng nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, phối hợp thực thi Luật với từng địa bàn, từng đối tượng và đặc điểm, điều kiện cụ thể.
Căn cứ vào kế hoạch triển khai đề án trong từng giai đoạn, từng năm và tình hình thực tiễn công tác, lực lượng chức năng và các địa phương đã tổ chức biên soạn tài liệu, cấp phát cho các đơn vị liên quan làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; tiếp nhận tài liệu, cấp phát đầy đủ, kịp thời cho các đơn vị và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại địa phương. Đồng thời, tổ chức biên soạn các chuyên đề, tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có Luật Cảnh sát biển Việt Nam để tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển, đặc biệt là ngư dân.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát Biển Việt Nam với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành Trung ương, chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội; cơ quan thông tấn, báo chí; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội... góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, những điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển, tuyên truyền về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Những nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát Biển Việt Nam 2018 được lực lượng chức năng linh hoạt vận dụng tuyên truyền, phổ biến.
Theo Trung tá Lê Bá Nguyên, Chính trị viên Hải đội 202 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2, bên cạnh phát tờ rơi các loại, đơn vị tập trung tuyên truyền về chấp hành các quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển, đơn vị kết hợp tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam; Luật Cảnh sát Biển Việt Nam năm 2018, đồng thời tiến hành khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí, tặng cờ Tổ quốc… cho các ngư dân.
Trong các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá Việt Nam trên khu vực biển được phân công quản lý, Hải đội 202 đều đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện Chương trình công tác dân vận "Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân" và "Cảnh sát Biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo."
Đặc biệt, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, sát tình hình thực tiễn, lực lượng đã giúp bà con, ngư dân làm ăn trên các vùng biển, đảo nắm bắt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cũng như các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7 Luật Cảnh sát Biển Việt Nam như chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát Biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát Biển Việt Nam…
"Việc tuyên truyền này đã nâng cao ý thức của ngư dân trong tuân thủ pháp luật khi khai thác hải sản trên biển, góp phần làm giảm và tiến đến chấm dứt hoàn toàn việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trong năm 2022," Trung tá Lê Bá Nguyên khẳng định.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, việc tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần nâng cao một bước về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là trong xây dựng, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; động viên ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát Biển cho biết hiện các quy định của Luật từng bước ăn sâu, bén rễ trong đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật trên biển; nâng cao một bước về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.
Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát Biển, từ đó, tích cực chung sức, đồng lòng cùng Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng trên biển thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn cho các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.