Một trong những nền tảng quan trọng tạo nên thành tựu và thương hiệu của ngành chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam những năm qua chính là sự phát triển của công nghệ chế biến.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia, khu vực ngày càng khốc liệt, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu công nghệ mới, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị chế biến điều, hỗ trợ tích cực trong việc giữ vững vị thế số một thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân điều.
Đây là nội dung được ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác khoa học công nghệ ngành điều năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, tổ chức tối 8/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Phạm Văn Công, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất chế biến điều đã giải quyết được các vấn đề khó khăn về môi trường, lao động, kiểm soát chất lượng sản phẩm của ngành điều trong nhiều năm qua.
Nhờ khoa học công nghệ, ngành điều Việt Nam dù xuất phát muộn nhưng đã nhanh chóng tạo được thương hiệu và vị thế trên thị trường điều toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã được công nhận là quốc gia có năng lực và công nghệ chế biến nhân điều hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công, cũng phải nhìn nhận, đánh giá lại những hạn chế và thách thức của ngành nhằm đảm bảo phát triển bền vững và mang lại giá trị cao hơn cho chuỗi sản xuất-chế biến-tiêu thụ điều tại Việt Nam.
[Việt Nam giữ vững ngôi đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều]
Hiện nay, đa số các nhà máy chế biến điều Việt Nam đều được cơ giới hóa. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa chưa được đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Các công đoạn sử dụng nhiều nhân công như cắt tách vỏ cứng, bóc vỏ lụa, phân loại đều đã được cơ giới hóa nhưng chưa được tự động hóa hoàn toàn trong chu trình chế biến.
Ông Nguyễn Xuân Khôi, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ công nghệ thiết bị chế biến điều Vinacas nêu vấn đề, hiệu quả cơ giới hóa trong ngành điều chưa cao là do quy trình chế biến bằng máy móc chưa được thiết lập hợp lý, các khâu trong sản xuất chưa được kết nối đồng bộ.
Thêm vào đó, vấn đề tiết kiệm năng lượng chưa được quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực cũ chưa đáp ứng yêu cầu vận hành hiệu quả hệ thống máy móc hiện đại dẫn đến lãng phí.
Theo ông Nguyễn Xuân Khôi, để duy trì lợi thế, tăng tính cạnh tranh, tránh dịch chuyển sản xuất qua các nước có nguồn nguyên liệu dồi dào thì các nhà máy chế biến điều tại Việt Nam phải có định hướng phát triển mới, phù hợp với bối cảnh thực tế.
Cụ thể, doanh nghiệp chế biến phải chú trọng chất lượng nhân điều thay vì chỉ tập trung gia tăng sản lượng. Với yêu cầu hiện nay của thị trường, các yếu tố về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phải được kiểm soát một cách chặt chẽ nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến thương hiệu nhân điều sản xuất tại Việt Nam.
“Việc xây dựng nhận diện thương hiệu điều Việt Nam phải gắn liền với làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các nước khác. Đồng thời phải chuyển dịch từ chế biến thô sang chế biến sâu để gia tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm,” ông Khôi chia sẻ.
Trong khi đó, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành điều chia sẻ, ngành chế biến điều của Việt Nam đã được đánh giá cao nhưng chưa thật sự khai thác hết giá trị mà hạt điều vốn có.
Bên cạnh chế biến sâu nhân điều, các doanh nghiệp chế biến cần tăng cường hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ chế biến các phụ phẩm từ vỏ cứng,vỏ lụa, dầu điều vì đây là những sản phẩm có giá trị ứng dụng và kinh tế lớn.
Theo kế hoạch của Vinacas, năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành điều sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu “giữ lượng, tăng chất, tăng giá” trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Cụ thể ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 3,6 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2020./.