Đẩy mạnh việc đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Italy

Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tổ chức hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kết nối với các doanh nghiệp Italy.
Đẩy mạnh việc đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Italy ảnh 1Quang cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh: Đức Hòa/Vietnam+)

Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kết nối với các doanh nghiệp và hệ thống phân phố bán lẻ tại Italy là nội dung chính của hội thảo giới thiệu về Việt Nam do Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy phối hợp với Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Ngoại giao và Chính quyền Vùng Emilia Romagna, Liên minh quốc gia hợp tác xã LegaCoop, phòng Thương mại Unioncamere của Italy tổ chức tại thành phố Bologna, miền Bắc Italy hôm 30/5.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu cùng với 20 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng thực phẩm, nước giải khát, nông sản, đồ gỗ, hàng công nghiệp và hàng gia dụng và đông đảo doanh nghiệp Vùng Emilia Romagna tham gia hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa giới thiệu tổng quan những lợi thế của Việt Nam về chính trị, kinh tế và đầu tư, cũng như những bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Italy.

Thứ trưởng nhấn mạnh Việt Nam có quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, du lịch với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; được các Tổ chức quốc tế đánh giá có môi trường đầu tư khá tốt, đứng thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư. Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do với 17/20 đối tác của G20 và 7/7 đối tác của G7. Việt Nam hội nhập sâu rộng với 55 nền kinh tế với hơn 90% các dòng thuế suất cắt giảm về 0%, được xem là lợi thế lớn cho nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Về quan hệ Việt Nam-Italy, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italy nói chung và lĩnh vực kinh tế nói riêng ngày càng được củng cố, tăng cường và phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 0,7 tỷ USD năm 2005 lên 4,3 tỷ USD năm 2015, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 19% năm.

Hai bên đã tổ chức hai kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp, trong đó thỏa thuận nhiều nội dung hợp tác quan trọng giữa các bộ ngành và doanh nghiệp của hai bên. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Italy ông Benedetto Della Vedova cho biết quan hệ song phương trong những năm gần đây phát triển hết sức tích cực. Hiện là thời điểm hết sức thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế Italy-Việt Nam, cũng như EU-ASEAN.

Hiệp định thương mại EU-Việt Nam là cơ hội lớn cho hai bên cùng hợp tác vượt thách thức. Ông Vedova cho rằng Việt Nam là nước mở cửa kinh tế lớn, tăng trưởng cao, có nhiều khu công nghiệp, dân số trẻ có kỹ năng... là những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Italy sản xuất và xuất khẩu sang Việt Nam và khu vực.

Ông Vedova cũng lưu ý các doanh nghiệp Italy cần thay đổi tư duy hướng tới xuất khẩu máy móc phù hợp với Việt Nam chứ không phải Việt Nam phải thích nghi với máy móc của Italy. Ông Vedova nhấn mạnh Italy mong muốn tăng cường hợp tác địa phương, đưa các doanh nghiệp địa phương đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo các kênh hợp tác đa dạng và hiệu quả. Italy có thể chia sẻ với Việt Nam về quản lý và điều hành mô hình hợp tác xã - một trong những mô hình quan trọng nhất của nền kinh tế Italy.

Trước đó, đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với chính quyền Vùng Emilia Romagna thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa hai bên. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã cám ơn Vùng Emilia Romagna đã tạo điều kiện tổ chức chương trình hoạt động của đoàn. Đồng thời bày tỏ mong muốn Vùng Emilia Romagna hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ với Việt Nam trong lĩnh vực mà Vùng có thế mạnh như nông sản, thực phẩm nói riêng và các lĩnh vực công nghiệp khác; mở rộng, phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh vào các thị trường năng động như Việt Nam.

Thứ trưởng cũng mời lãnh đạo chính quyền vùng Emilia Romagna tham dự Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam-Italy lần thứ 3 tại Việt Nam vào tháng 11/2016 và tham dự Việt Nam Food Expo 2016 từ ngày 16-19/11.

Thay mặt Chính quyền Vùng, Chủ Tịch Vùng Emilia Romagna ông Stefano Bonaccini cho biết Vùng Emilia Romagna nổi tiếng về cơ khí, ôtô, nông sản, cũng như du lịch và có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Italy. Chỉ tính riêng năm 2015, xuất khẩu của Vùng đã đạt 155 tỷ euro. Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Vùng Emilia Romagna đang phát triển rất ấn tượng, hiện có hơn 600 doanh nghiệp của Vùng đầu tư vào Việt Nam với trị giá hơn 120 triệu euro.

Ông Banaccini tin tưởng rằng với nền tảng quan hệ hợp tác đang rất tốt đẹp, quan hệ hợp tác Italy-Việt Nam nói riêng và Vùng Emilia Romagna-Việt Nam nói riêng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới vì lợi ích của cả hai bên. Ông Bonaccini cũng cám ơn Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã mời lãnh đạo Vùng thăm Việt Nam và cho biết sẽ thu xếp về chuyến thăm.

Cũng trong chương trình của đoàn công tác Bộ Công Thương tại Bologna, bên cạnh việc tổ chức hội thảo để doanh nghiệp Việt Nam và Italy giới thiệu tìm kiếm cơ hội hợp tác, đoàn Việt Nam còn tổ chức trưng bày một số sản phẩm nông sản và nước giải khát, tổ chức diễn đàn B2B giữa doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là giữa doanh nghiệp Việt Nam với LegaCoop, hệ thống phân phối Coop Italia, hệ thống phân phối Conad nhằm đưa hàng hóa của Việt Nam vào hệ thống bán lẻ của Italy. LegaCoop có 12 triệu hội viên trên toàn Italy và 3,5 triệu hội viên ở Vùng Emilia Romagna, đóng góp 9% GDP của Italy.

Chuỗi hoạt động của đoàn công tác Bộ Công Thương tại Italy nằm trong Chương trình khuyến khích, thúc đẩy đưa hàng xuất khẩu Việt Nam sang châu Âu. Thông qua chuỗi hoạt động này, các doanh nghiệp Italy sẽ có thêm thông tin về tiềm năng, chất lượng của hàng xuất khẩu Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội kết nối với các nhà nhập khẩu, tập đoàn kinh tế lớn của Italy để đưa hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Italy nói riêng và châu Âu nói chung. Qua đó, góp phần đưa quan hệ thương mại song phương lên tầm cao mới, nhất là trong bố cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đã kết thúc đàm phán và chuẩn bị được ký kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.