Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ hậu COVID-19

Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ tin tưởng thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, thời kỳ hậu COVID-19.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ hậu COVID-19 ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu. (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)

Ngày 28/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD (PHDCCI) của Ấn Độ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Cơ hội & thách thức hậu COVID-19.”

Đây là cơ hội để hai nước trao đổi những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các thách thức mà doanh nghiệp hai bên phải đối mặt trong thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch, cũng như tìm hiểu tiềm năng và cơ hội xúc tiến kinh doanh song phương thời kỳ hậu khủng hoảng.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD D.K Agarwal, cùng một số quan chức và đại diện các cơ quan hữu quan.

[Việt Nam trao tặng Ấn Độ 100.000 khẩu trang phòng chống COVID-19]

Phát biểu tại hội thảo, ông Ajay Poddar, Chủ tịch Ủy ban ASEAN, châu Đại Dương và Đông Á thuộc PHDCCI, nhấn mạnh thương mại toàn cầu là một "nạn nhân" chính của đại dịch COVID-19. Về ngắn hạn, nhu cầu suy giảm và suy thoái sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại và xuất khẩu của thế giới, khiến hàng hóa và công nghệ trở nên đắt đỏ. Chính điều đó sẽ khiến Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với các nước gần gũi với mình hơn.

Là hai nước có tình hữu nghị nồng ấm và có nhiều lĩnh vực bổ sung cho nhau, Ấn Độ và Việt Nam có thể triển khai hợp tác hiệu quả.

Hiện các công ty lớn của Ấn Độ đã và đang đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, thăm dò khoáng sản, sản xuất đường, công nghệ thông tin…

Thời gian tới, chắc chắn thương mại song phương và các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ còn phát triển hơn nữa.

Bên cạnh đó, ông Poddar cũng đánh giá Việt Nam là "cửa sổ" nhìn ra Đông Nam Á của Ấn Độ. Nhiều công ty Ấn Độ muốn có một đầu mối hoặc cơ sở cho các hoạt động ở Đông Nam Á. Với những lợi thế của mình, Việt Nam có thể đóng vai trò một trung tâm như vậy đối với nhiều công ty của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, ông Poddar cũng nêu bật tiềm năng của lĩnh vực dịch vụ - lĩnh vực lớn nhất Ấn Độ chiếm tới gần 65% tổng giá trị gia tăng của nước này.

Ông cũng khẳng định hai nước có thể hợp tác sản xuất nhiều hàng hóa giá rẻ nhờ Ấn Độ sở hữu bí quyết công nghệ trong khi Việt Nam có hệ thống sản xuất hiệu quả.

Một số lĩnh vực mà hai nước có thể triển khai hợp tác như y tế, trí tuệ nhân tạo, chế biến thực phẩm nông nghiệp và kể cả nghiên cứu khoa học.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ hậu COVID-19 ảnh 2Hội thảo trực tuyến Xúc tiến thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Cơ hội & thách thức hậu COVID-19. (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho rằng đại dịch tuy gây nhiều tổn thất cho kinh tế thế giới nhưng cũng tạo ra cơ hội cho những nước sớm kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam đã chứng minh được năng lực và tính kỷ luật trong xử lý dịch bệnh và Việt Nam cũng sẽ thể hiện được năng lực, tính kỷ luật và hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ tin tưởng thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, thời kỳ hậu COVID-19.

Để thực hiện điều đó, Đại sứ khuyến nghị các chính phủ hai nước cần nỗ lực thích nghi với tình hình mới, thách thức mới; các doanh nghiệp cần phát huy năng lực sáng tạo đổi mới trong làm ăn kinh doanh và các nhà kỹ trị cần linh hoạt hơn để thúc đẩy thương mại và dòng chảy đầu tư từ cả hai phía.

Đại sứ kêu gọi cả hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau để tiếp tục giành thắng lợi trên mặt trận kinh tế thương mại như đã đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19.

Cũng tại buổi hội thảo, các đại diện và doanh nghiệp hai bên đã trao đổi các thông tin để kết nối, thăm dò những cơ hội.

Các đại biểu bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Ấn Độ, mở cửa thị trường cho mặt hàng nông sản, dỡ bỏ các rào cản thương mại, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thúc đẩy kinh doanh và đầu tư song phương./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.