Ngày 10/4, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp ứng phó tổng thể với những tác động từ dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bàn giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và tạo đà cho các năm tiếp theo.
Để hiểu rõ hơn hiệu quả từ nguồn vốn "mồi," phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.
- Xin ông cho biết tình hình và kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong quý 1 vừa qua? Theo ông, đâu là những nguyên nhân còn gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Vốn đầu tư toàn xã hội (gồm vốn khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài) thực hiện quý 1/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý 1/2020 đạt mức tăng khá 13,2% so với kế hoạch.
[Thủ tướng: Quyết tâm phấn đấu không để nền kinh tế bị đổ gãy]
Trong khi kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước được giao cả năm 2020 lại cao hơn 18% so với năm 2019 và kế hoạch quý 1/2020 được giao tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Trước hết, chúng ta phải nói đến vốn đầu tư công đạt thấp nguyên nhân là do hoạt động đầu tư xây dựng trong tháng 1/2020 bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 và ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số nhà thầu xây dựng chậm triển khai ngay sau Tết.
Bên cạnh đó, trong các tháng đầu năm, chủ đầu tư thường tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2019; tập trung phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án được phê duyệt năm 2020.
Cùng với đó, có nhiều dự án, công trình khởi công mới được bố trí vốn năm 2020 còn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện...
- Thưa ông, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần có những biện pháp gì từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án công trình làm cơ sở thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch triển khai dự án; đồng thời, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế dự án, đấu thầu, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân, tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn đến cuối năm.
Đặc biệt, người đứng đầu các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động chỉ đạo xử lý những vướng mắc, bất cập trong triển khai các dự án đầu tư công...
- Cùng với các giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành, theo ông, các đơn vị, dự án sử dụng vốn đầu tư công cần làm gì để đảm bảo yêu cầu giải ngân đúng tiến độ?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình. Đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ những tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công trong suốt quá trình triển khai dự án để kịp thời xử lý trong phạm vi thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng dự án đầu tư.
- Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, theo ông, hoạt động và kết quả giải ngân đầu tư công có tầm quan trọng như thế nào đối với phát triển kinh tế?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là điểm sáng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với diễn biến phức tạp và tác hại nghiêm trọng của dịch COVID-19 tại Trung Quốc, Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Iran, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, tác động trước tiên sẽ ảnh hưởng tới khu vực sản xuất của nước ta như ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ.
Khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế, đặc biệt đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.
Khi nguồn vốn đầu tư của 2 khu vực kinh tế này giảm thì việc tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thu hút đầu tư từ các khu vực khác, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Hiện nay, vốn đầu tư công tập trung lớn cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, khi các dự án này được đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nâng cao năng lực nền kinh tế, có tác động trực tiếp, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Chính vì vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư công, đảm bảo hết tháng 12/2020 giải ngân hết kế hoạch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cho năm 2020.
- Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, Tổng cục Thống kê đề xuất những giải pháp gì; đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 nếu được khống chế và kết thúc sớm?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Nếu dịch COVID-19 được kết thúc sớm, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tiến độ dự án, công trình của cả khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và khu vực FDI, cũng như kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 liên quan đến yếu tố lao động nước ngoài (đặc biệt là lao động từ Trung Quốc, Hàn Quốc), các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế có hướng dẫn nhanh chóng về thủ tục xuất nhập cảnh, quy trình khi nhập cảnh vào Việt Nam (cách ly, giám sát, theo dõi...) để lao động nước ngoài sớm được quay trở lại Việt Nam làm việc nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn.
Bên cạnh đó, các đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư nước ngoài đợi cho đến khi dịch COVID-19 được xử lý dứt điểm mới tiến hành thủ tục đầu tư.
Cùng với đó, Chính phủ nghiên cứu và ban hành sớm một số chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thiết thực và cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 để giúp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Từ đó, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư và sẽ tiếp tục đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động và tích cực tìm kiếm những cơ hội mới, ý tưởng mới, định hướng kinh doanh mới, tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới khi gặp khó khăn từ dịch COVID-19 để góp phần ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy tối đa hiệu quả vốn đầu tư của bản thân doanh nghiệp cũng như hiệu quả đầu tư của toàn nền kinh tế.
- Xin cám ơn Tổng cục trưởng./.