Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri, đáp ứng thực tiễn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết đến nay, tỷ lệ trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 chưa đạt yêu cầu đề ra, cần xem xét trách nhiệm và hiệu quả xử lý đơn thư, khiếu kiện.
Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri, đáp ứng thực tiễn ảnh 1Quang cảnh Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 11/10, ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023.

Đồng thời xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Gần 3.000 kiến nghị gửi đến Quốc hội

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có hơn 2.700 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, kiến nghị đã được giải quyết, trả lời đạt 89,5%.

Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri, đáp ứng thực tiễn ảnh 2Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày các báo cáo (tóm tắt). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua giám sát, cho thấy có một số tồn tại, hạn chế trong công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri cần được các cơ quan có giải pháp khắc phục trong thời gian tới như việc gửi Báo cáo Tổng hợp Kiến nghị Cử tri của một số Đoàn Đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; việc giải quyết, trả lời của cử tri của một số Bộ, ngành chưa đảm bảo thời hạn; việc xây dựng trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ ngành còn chậm...

[Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét 16 nhóm nội dung quan trọng]

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết nguyên nhân của việc chậm trả lời chủ yếu do hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng lâu và kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, cán bộ chiến sĩ tham gia chống Pháp không có văn bản giấy tờ và một số người đã mất lâu nên gia đình không có thông tin hoặc rất ít thông tin nên việc xác minh để trả lời công dân về các hồ sơ giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng kéo dài.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết đến nay, tỷ lệ trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 chưa đạt yêu cầu đề ra, có sự sụt giảm trong tương quan so sánh với việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4, cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, tháo gỡ khúc mắc.

Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri, đáp ứng thực tiễn ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện những cam kết đã đưa ra, để hạn chế các trường hợp chưa thực hiện, hoặc thực hiện không trọn vẹn cam kết, đặc biệt là trong các vấn đề cụ thể như quản lý, phát triển các cụm công nghiệp, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, hệ thống xử lý dữ liệu camera trong kinh doanh vận tải.

Với báo cáo về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022, 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết số lượng khiếu kiện, đơn thư có chiều hướng tăng.

Do đó, cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, xem xét trách nhiệm và hiệu quả xử lý đơn thư, khiếu kiện của cơ sở. Đồng thời, cần phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế như: các cơ quan chưa chủ động tiếp công dân, chất lượng phân loại, xử lý đơn thư chưa cao, chưa hạn chế được tình trạng gửi lòng vòng, lưu đơn.

Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng.

Các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân; đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, đã tập trung rất cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri, đáp ứng thực tiễn ảnh 4Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cử tri và nhân dân cho rằng Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt hiệu quả để phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% tương đương 110.000 tỷ đồng, đã hoàn thành hơn 650km đường cao tốc; tích lũy đủ tài chính (hơn 500.000 tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, cử tri và nhân dân bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; một số bất cập về sách giáo khoa; chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; mới dạy những nghề có giáo viên, chưa dạy được nghề xã hội cần, dạy nghề chưa gắn với tạo việc làm.

Về lĩnh vực y tế. chăm sóc sức khỏe nhân dân, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước ngành y tế tiếp tục khắc phục các khó khăn, nhất là khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Về công tác đối ngoại, cử tri và nhân dân vui mừng phấn khởi với kết quả hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là sự khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Đảng và người đứng đầu Đảng ta.

Kết quả hoạt động đối ngoại đã nâng tầm vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; lĩnh vực an ninh, trật tự và một số nội dung khác.

Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri, đáp ứng thực tiễn ảnh 5Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực rất lớn trong giải quyết kiến nghị của cử tri chiếm 89,5%, dù chưa đạt được yêu cầu kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 nhưng Chính phủ và các bộ, ngành đã xem xét, chỉ đạo giải quyết khối lượng rất lớn, 2331/2605 kiến nghị cử tri trên toàn quốc đã được xem xét, giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết việc trả lời kiến nghị của cử tri là công tác rất quan trọng mà Bộ chú trọng, tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, có một số nội dung kiến nghị trả lời chậm hơn so với yêu cầu, bởi cần có thời gian để các cơ quan chuyên môn tổng hợp thông tin.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiêm túc khắc phục, đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị cử tri đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri, đáp ứng thực tiễn ảnh 6Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuẩn bị.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri thông qua kênh mặt trận, nhưng cần tiếp tục phối hợp với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến của cử tri thông qua các Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Báo cáo đã bao quát toàn diện, đánh giá những ý kiến, kiến nghị của người dân về kết quả đạt được, cũng như băn khoăn, lo lắng của cử tri và nhân dân đồng thời đưa ra các kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết qua thảo luận, các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nêu rõ các kiến nghị của cử tri và nhân dân có trọng tâm, từ kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 6; những vấn đề cần tập trung giải quyết sau kỳ họp thứ 6; cần tập trung đánh giá rõ các chất lượng kiến nghị và ý kiến của người dân; việc giải quyết kiến nghị từ kỳ họp thứ 5 của các cơ quan bộ, ngành ở trung ương.

Những vấn đề chung cần nêu khái quát nhưng cũng cần đánh giá cụ thể của từng lĩnh vực, vấn đề nào nổi lên và kiến nghị sát với tình hình thực tế. Nghiên cứu thiết kế báo cáo hợp lý những vấn đề chung, vấn đề cụ thể; kiến nghị phản ánh sát tâm tư tình cảm, lo lắng của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở kết quả thảo luận phiên họp này, các cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu và phối hợp với các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo, nhất là bổ sung ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội qua tiếp xúc cử tri./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục