Khi đề cập tới kịch bản xấu nhất là Crimea không còn nằm dưới khả năng kiểm soát của Moskva, các chuyên gia của Báo Độc lập (Nga) nhận định nếu để mất Crimea, Nga sẽ tự đặt thái dương vào họng súng NATO.
Tầm quan trọng chiến lược của Crimea là không phải bàn cãi. Điều này thúc đẩy Nga quyết tâm hành động trong vấn đề độc lập của bán đảo này. Lịch sử có khả năng sẽ lặp lại nếu Nga không phản ứng mạnh mẽ và có hiệu quả.
Trước đây, ngày 27/1/1918, phái đoàn Quốc hội Ukraine đã phải ký hiệp ước hòa bình bắt buộc ở Brest-Litovsk với chính quyền chiếm đóng Đức.
Theo hiệp ước này, 700.000 quân Đức đã được triển khai ở Ukraine và ở Crimea. Trước nguy cơ bị quân Đức tấn công ngay sát biên giới, Liên Xô đã buộc phải ký hiệp ước hòa bình tương tự vào ngày 3/3/1918.
Các chuyên gia của Báo Độc lập cho biết, hiện nay, nếu Ukraine gia nhập NATO thì các căn cứ của liên minh này sẽ nằm ở sát nách các khu vực quân sự Nga ở Kursk, Belgorod và Rostov-on-Don.
Thời gian cho cuộc tấn công bằng tên lửa từ biên giới đến Moskva chỉ tính bằng phút. Khoảng thời gian ngắn như vậy không đủ cho sự phản ứng hiệu quả của bất kỳ hệ thống phòng thủ nào. Lúc này, Nga sẽ giống như một người bị súng kề vào thái dương và không có cách nào kịp phản ứng đáp trả.
Trong bối cảnh như vậy, ngày 11/3, Quốc hội Crimea đã bất ngờ thông qua tuyên bố độc lập và khẳng định quyết tâm tiến hành trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập vào Nga. Kết quả của hành động này có thể được biết ngay trong ngày hôm nay, 16/3.
Ukraine đã tuyên bố phản đối cuộc trưng cầu dân ý này. Tuy nhiên họ sẽ không thể hành động được gì để đáp trả ngay lập tức. Đa phần những người lính Ukraine không được chuẩn bị về tư tưởng để chiến đấu với người Nga, những người cho đến trước cuộc lật đổ tháng Hai vừa qua ở Kiev, vẫn là đồng chí, anh em của họ. Những người khác thì lo ngại sẽ bị bỏ rơi, họ sẽ ra sao nếu cuộc chiến này chỉ là cục bộ giữa Nga và Ukraine, chứ không phải là cuộc chiến tranh hạt nhân toàn thế giới.
Hơn nữa, ngay cả quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã phải cay đắng thừa nhận trước quốc hội nước này rằng chỉ có 6.000 trong tổng số 41.000 quân nhân thường trực của nước này là có khả năng chiến đấu thực tế.
Bên cạnh đó, với việc kêu gọi trợ giúp từ bên ngoài, chính quyền Kiev tuyên bố thành lập lực lượng Vệ quốc, mà nòng cốt không ai khác là các thành phần cực hữu, phátxít mới, bao gồm các thành viên của đảng Khối cánh hữu. Quân số của lực lượng Vệ quốc, theo các đánh giá khác nhau, vào khoảng 20.000-50.000 người. Tuy nhiên, khả năng chiến đấu của lực lượng này vẫn là một câu hỏi lớn.
Tướng Martin Dampsi từng tuyên bố quân đội Mỹ sẵn sàng ủng hộ các đồng minh ở châu Âu và có hỗ trợ Ukraine trong trường hợp leo thang nguy hiểm ở quốc gia này.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, khi mà các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao rõ ràng là không làm thay đổi được lập trường của Nga, các nước NATO có sẵn sàng tham gia cuộc chiến với siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới hay không. Và, mong muốn có được các căn cứ chiến lược ở Ukraine có thực sự cần thiết để họ chấp nhập đi đến bờ vực của thảm họa khắp hành tinh hay không?/.