Để Đồng bằng sông Cửu Long trở thành điểm đến hấp dẫn, nhiều chuyên gia cho rằng các địa phương cần tăng cường hoạt động kết nối, liên kết với các vùng trong cả nước, đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó giúp đa dạng sản phẩm du lịch, kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long để hút khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Tạo ra sản phẩm độc đáo
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết chỉ riêng chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam (thành phố Châu Đốc) của tỉnh, mỗi năm đón khoảng 5 triệu khách du lịch, tạo việc làm cho hơn 400.000 người. Điều đó cho thấy vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của ngành công nghiệp không khói trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.
Du lịch thế giới đang có nhiều xu thế như liên kết, chia sẻ, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch trải nghiệm... Trong xu thế đó, Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ du lịch, điểm đến đầu tiên của khách du lịch trong nước, quốc tế. Vì vậy, việc 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra giá trị rất hấp dẫn để thu hút đông du khách đến với Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, khách nội địa vẫn là thị trường trọng điểm chiếm đến 2/3 lượng khách du lịch đến thành phố và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu làm bài toán hoán đổi 1/3 của 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh về du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại, 1/3 của 20 triệu dân của Đồng bằng sông Cửu Long đến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thì du lịch của hai nơi phát triển mạnh. Việc liên kết, phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, với chính sách kích cầu du lịch rất hấp dẫn, sẽ hút khách trong nước và quốc tế.
Sau một thời gian ngắn liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chương trình du lịch liên tuyến, đơn tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút đông khách du lịch trong, ngoài nước.
Điển hình là Chương trình du lịch đơn tuyến 1 ngày từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tiền Giang, đi Bến Tre, đi Long An... Chương trình du lịch liên tuyến tuyến 2 ngày từ Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Bến Tre; Thành phố Hồ Chí Minh-Bến Tre-Trà Vinh; Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Đồng Tháp; Thành phố Hồ Chí Minh-Vĩnh Long-Cần Thơ...
Năm 2022, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tiền Giang, Bến Tre khảo sát, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch kết hợp tuyến vận chuyển đường sông liên kết với tên gọi “Ký sự từ sông Sài Gòn đến sông Tiền."
[TP.HCM liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL]
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa như: vận động các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu-điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách kích cầu kép như vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí vé tham quan, với mức kích cầu phổ biến từ 10-20%.
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã tổ chức khảo sát 126 tuyến điểm, 31 khách sạn, resort, homestay, 15 nhà hàng, 11 cửa hàng quà lưu niệm và 5 chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho du khách tại Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó xây dựng, chào bán 3 sản phẩm liên tuyến phù hợp bản sắc, đặc trưng sông Mekong như tuyến du lịch “Nhịp sống Mekong" theo hành trình 6 ngày từ Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang-Vĩnh Long-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau; tuyến “Sông nước Cửu Long” 4 ngày theo hành trình Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh-Sóc Trăng-Cần Thơ-Bạc Liêu-Cà Mau và tuyến “Điểm hẹn vùng biên” theo hành trình 4 ngày từ Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang.
Phát triển hạ tầng giao thông
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng cho rằng các địa phương trong vùng cần nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông, nhất là xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long; cần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận lúc cao điểm; khẩn trương triển khai xây dựng cầu Đại Ngãi - cầu nối quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch Trà Vinh-Sóc Trăng…
Trước mắt, các địa phương trong vùng cần tập trung đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, trong đó tập trung vào dòng sản phẩm khách sạn 45 sao, khu nghỉ dưỡng, hình thức resort vườn gắn với thiên nhiên sông nước đặc trưng của miền Tây Nam Bộ; xây dựng bảng giá dịch vụ, điểm tham quan kích cầu tại mỗi tỉnh, thành phố; xây dựng những sản phẩm du lịch giá sốc thúc đẩy số lượng khách.
Song song đó, các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng đào tạo nhân lực du lịch, có những chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch, đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch xanh, bảo vệ môi trường; mạnh dạn thí điểm dịch vụ giải trí đêm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch để "khai thác kinh tế đêm" một cách hiệu quả.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài Phú Quốc (Kiên Giang) đã có thương hiệu, hình ảnh du lịch khá nổi tiếng đối với khách quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương còn lại trong vùng nên tập trung xây dựng thương hiệu du lịch nổi tiếng để tiếp cận, thu hút khách quốc tế.
Các địa phương cần nghiên cứu xây dựng các hoạt động lễ hội, các sự kiện đặc thù riêng; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch vùng trên cả hai phương diện như: quảng bá đất nước, con người, văn hóa... do Nhà nước triển khai và quảng bá sản phẩm các tour du lịch, dịch vụ du lịch... do các doanh nghiệp lữ hành triển khai.
Công tác quảng bá cần được thực hiện xuyên suốt cả trong và ngoài nước để hình ảnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày một hấp dẫn, trở thành nơi phải đến du lịch, trải nghiệm của khách du lịch, nhất là khách quốc tế.
Đặc biệt, vùng cần phát triển thêm loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái, các tour tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp, hình thành những sản phẩm "Về miền di sản miền Tây" đặc trưng tại mỗi địa phương.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ dự báo mới nhất của các tổ chức du lịch quốc tế, du lịch thế giới có khả năng đạt được mức tăng trưởng như năm 2019 vào năm 2024, sớm hơn 1 năm so với các dự báo cũ. Du lịch Thành phố và Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước cơ hội rất lớn để tăng tốc phát triển. Do đó, với sự liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh trong vùng sẽ giúp xây dựng thương hiệu du lịch vùng trở thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam và đủ sức cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á.
Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, các tỉnh trong vùng cần tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường trong nước; công tác phối hợp trên lĩnh vực quản lý nhà nước để cùng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch chung của vùng và đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch chung phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng phát triển chung của du lịch như quy định về miễn thị thực, thị thực điện tử, các gói hỗ trợ kích cầu du lịch.../.
Bài 1: Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phục hồi nhanh sau đại dịch
Bài 2: Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chưa bứt phá như kỳ vọng