Đề nghị có chế tài xử phạt doanh nghiêp chậm chuyển đổi xăng E5 RON 92

Từ 1/1/2018, xăng RON 92 sẽ chính thức bị "khai tử." Tuy vậy, để thực hiện thành công lộ trình trên cần sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp và sự mạnh tay của cơ quan nhà nước.
Đề nghị có chế tài xử phạt doanh nghiêp chậm chuyển đổi xăng E5 RON 92 ảnh 1Petrolimex quyết tâm thực hiện kinh doanh xăng E5 trên toàn hệ thống sớm hơn kế hoạch đề ra. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa (từ 1/1/2018), xăng khoáng RON 92 sẽ chính thức bị "khai tử" và thay thế vào đó, trên thị trường chỉ còn hai mặt hàng chính là xăng sinh học E5 RON 92 và xăng RON 95.

Để thực hiện thành công việc chuyển đổi trên, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Công Thương cần chỉ đạo để doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt, cũng như mạnh tay xử lý vi phạm.

[Chuyên gia: Nhiên liệu E5 có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng]

Doanh nghiệp cam kết đủ nguồn cung

Tại cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì về xăng sinh học ngày 7/12, tại Hà Nội, các doanh nghiệp đầu mối lớn cho biết, nguồn cung về xăng E5 RON 92 đã được chuẩn bị sẵn sàng, có thể đáp ứng đủ cho hệ thống khi thực hiện thay thế xăng khoáng RON 92.

​Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, ​hiện Petrolimex đã có 5 điểm phối trộn E5 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Dự kiến nửa đầu năm 2018, Petrolimex tiếp tục đầu tư thêm 2 điểm phối trộn E5 tại Bình Định và Nghệ An, nâng tổng công suất của toàn bộ hệ thống lên 1,8 triệu mét khối/năm.

Về nguồn nhiên liệu, ông Dũng cho biết, tổng nhu cầu cho toàn hệ thống khoảng 13.000 mét khối/tháng, tương đương 160.000 mét khối/năm, trong đó tháng 11/2017 Tập đoàn đã ký hợp đồng mua từ Công ty Tùng Lâm khoảng 10.000 mét khối và nhập khẩu 5.000 mét khối.

​Cũng theo đại diện Petrolimex, đến thời điểm hiện nay đã có 50% cửa hàng xăng dầu của tập đoàn thực hiện ngừng bán xăng khoáng RON 92 để chuyển sang xăng sinh học E5 RON 92.

"Mục tiêu chậm nhất đến ngày 25/12/2017 sẽ ngừng bán xăng RON 92 trên toàn hệ thống," ông Dũng nói.

Trong khi đó, về phía PVOil, lãnh đạo của doanh nghiệp này cũng khẳng định, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện thành công việc thay thế xăng RON 92 theo đúng lộ trình đề ra.

​Cụ thể, theo ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc PVOil, tổng công suất pha chế xăng E5 của PVOil dự kiến khoảng 140.000 mét khối/tháng (tương đương 1,68 triệu mét khối/năm) hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng E5 của doanh nghiệp.

Ngoài ra, PVOil còn có thể thực hiện gia công, pha chế xăng E5 cho một số đầu mối kinh doanh khác (nếu có nhu cầu) với khối lượng khoảng 800.000 mét khối/năm.

"Tại nhiều cửa cửa hàng của PVOil đã triển khai bán xăng E5 RON 92 từ năm 2014 và toàn hệ thống của doanh nghiệp đều sẵn sàng thực hiện chuyển đổi sang xăng sinh học từ 1/1/2018 theo đúng lộ trình," ông Lê Xuân Trình cho hay.

Nói thêm về nguồn cung E100 hiện nay, ông Vũ Kiên Chỉnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết, trước đây 70% lượng cồn sản xuất ra là phục vụ xuất khẩu, nhưng ​hiện nay, mức tiêu thụ sản phẩm E100 trong nước tăng lên, dự kiến tháng 12/2017 sẽ tiêu thụ khoảng 15.000 mét khối, do vậy doanh nghiệp đã giảm bớt xuất khẩu và tập trung cho thị trường trong nước.

Ông Chính cũng khẳng định, với năng lực hiện có, gồm Nhà máy cồn Đồng Nai và Nhà máy cồn Quảng Nam, sắp tới là Bình Phước và Dung Quất, nguồn nguyên liệu E100 cung cấp cho thị trường sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ ​hiện nay.

Đề nghị có chế tài xử phạt doanh nghiêp chậm chuyển đổi xăng E5 RON 92 ảnh 2Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng Họp với các Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc đẩy mạnh triển khai thực hiện Lộ trình áp dụng nhiên liệu sinh học. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi

​Về cơ bản, công tác chuyển đổi từ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 RON 92 của các doanh nghiệp đầu mối lớn đã cơ bản hoàn thành, tuy vậy để mốc 1/1/2018 đạt hiệu quả cao nhất, với 100% cửa hàng xăng dầu trên cả nước bán xăng E5 thì rất cần sự đồng bộ về cơ chế chính sách.

​Chỉ ra một số bất cập, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, với gần 500 cửa hàng và lượng tiêu thụ xăng dầu lớn nhất cả nước. Tuy vậy, mức tiêu thụ xăng E5 RON 92 trên địa bàn thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả, chỉ đạt sản lượng khoảng 5%.

Một trong những nguyên nhân, theo bà Lan chính là chiết khấu từ việc bán xăng RON 92 thời điểm hiện nay đang cao hơn xăng E5 RON 92.

​Chưa kể, để áp dụng chuyển đổi chính thức từ 1/1/2018, doanh nghiệp sẽ phải mất thêm nhiều chi phí để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như súc rửa bồn bình, phục vụ cho việc bán nguồn nhiên liệu mới.

Do vậy, bà Lan đề nghị nhà nước cần đưa ra cơ chế chính sách để hỗ trợ cho việc chuyển đổi này cũng như đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai lộ trình thay thế xăng sinh học.

"Nếu khẳng định đủ nguồn cung 100% thì khi triển khai vào ngày 1/1/2018 sẽ đạt kết quả tốt nhưng ngược lại với các vấn đề như logistics, điện, giao thông... còn khó khăn như doanh nghiệp phản ảnh thì dù chỉ 1 ngày xảy ra trục trặc cũng ảnh hưởng tới vấn đề về an ninh năng lượng cho người dân.

​Khẳng định nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang "nghe ngóng", đặc biệt là cửa hàng nhỏ lẻ về việc triển khai trong ngày 1/1/2018 ra sao, bà Lan đề nghị các doanh nghiệp đầu mối chấm dứt cung cấp xăng RON 92 cho các cửa hàng và đại lý bên ngoài, cũng như kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành các chế tài xử phạt cụ thể để lực lượng chức năng có thể phạt nặng những doanh nghiệp không thực hiện đúng lộ trình thay thế xăng RON 92 từ ngày 1/1/2018.

Chia sẻ các ý kiến trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, thời gian 1/1/2018 không thể đảo ngược do vậy Bộ Công Thương sẽ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp và địa phương nhằm thực hiện thành công việc khai tử xăng RON 92.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đồng ý với việc cần thực hiện truyền thông về xăng E5 với quy mô rộng khắp, nhằm truyền tải ý nghĩa của việc sử dụng nhiên liệu sinh học, đồng thời thực hiện kiểm tra giám sát việc triển khai lộ trình bán E5 của tất cả các thương nhân đầu mối kèm theo chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm.

- Biểu đồ sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Petrolimex 10 tháng 2017:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.