Đề nghị công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di sản văn hóa thế giới

Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ mời Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (Cơ quan tư vấn của UNESCO về lĩnh vực di sản văn hóa) đánh giá về tiềm năng của di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc.
Trong lòng địa đạo Vịnh Mốc. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến việc lập hộ sơ địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3801/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị giao cho các cơ quan chuyên môn triển khai một số nội dung ở giai đoạn 1 của việc đưa di tích địa đạo Vịnh Mốc vào danh mục di sản thế giới dự kiến của UNESCO: lập báo cáo tóm tắt di tích địa đạo Vịnh Mốc đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.

Nếu nhận được ý kiến thỏa thuận của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép cơ quan này phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đăng ký với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO đưa di tích địa đạo Vịnh Mốc vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị mời Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (Cơ quan tư vấn cho UNESCO về lĩnh vực di sản văn hóa) hỗ trợ khảo sát, đánh giá khả năng đạt được những giá trị nổi bật toàn cầu và yêu cầu về bảo vệ, quản lý theo tiêu chuẩn di sản thế giới trước khi tiến hành lập hồ sơ chính thức.

Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc này là nhằm tránh tình trạng nhiều di sản trước đây mất nhiều thời gian, kinh phí lập hồ sơ nhưng không được UNESCO công nhận.

Trước đó, Di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg (ngày 31/12/2014) của Thủ tướng Chính phủ.

Di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: TTXVN)

Địa đạo Vịnh Mốc được đào trong khoảng thời gian từ năm 1965-1966, có chiều dài khoảng 2km với nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính. Nơi đây từng là pháo đài thép của miền Bắc trong suốt thời gian chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, được thiết kế như một ngôi làng dưới mặt đất.

Địa đạo được chia thành ba tầng: Tầng 1 là là nơi sinh sống của nhân dân; tầng 2 là trụ sở của Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân và Bộ Chỉ huy quân sự và tầng 3 là kho chứa vũ khí, hàng hóa cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của nhân dân Vịnh Mốc. Địa đạo có 13 cửa thông ra ngoài (trong đó có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi).

Trong lòng địa đạo có giếng nước, hội trường, bệnh xá, bếp Hoàng Cầm... Dọc hai bên trục đường chính, cách từ 3-5m có một hầm nhỏ dùng làm nơi sinh hoạt của một hộ gia đình (khoảng 3-4 người)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục