Việt Nam đang đề nghị Nhật Bản xem xét mở rộng ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong các lĩnh vực như phục vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe, dịch vụ, bảo dưỡng trong ngành đường sắt đô thị và tàu cao tốc, thi công, xây dựng hệ thống công trình ngầm xử lý nước thải, môi trường đô thị....
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, những ngành, nghề này người lao động Việt Nam nhanh thích ứng, nâng cao được kỹ năng nếu qua đào tạo cơ bản.
Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và ông Nakatani Gen, Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản về các vấn đề Việt Nam-Nhật Bản cùng quan tâm diễn ra hôm nay 20/9 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam-Nhật Bản sắp tổ chức kỷ niệm 50 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn các cơ quan Nhật Bản đã phối hợp với Việt Nam triển khai nhiều chương trình hiệu quả, trong đó lĩnh vực hợp tác lao động và phát triển nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
“Có thể nói, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không chỉ là quan hệ đối tác chiến lược mà còn là quan hệ bạn bè rất tin cậy lẫn nhau,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm các quy định chính sách, nhất là vi phạm về thu phí.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Nhật Bản xem xét tiếp tục cải tiến các chương trình tiếp nhận thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng đặc định, đặc biệt là đánh giá lại chương trình tiếp nhận điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi… để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nghiệp đoàn hai bên trong phối hợp thực hiện.
[Mở rộng đối tượng, nâng cao quyền lợi cho lao động đi Nhật Bản]
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị phía Nhật Bản miễn thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam và triển khai thực hiện việc tuyển chọn lao động kỹ năng đặc định theo quy định tại thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước.
Tại buổi làm việc, ông Nakatani Gen, Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh tháng 11/2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Nhật Bản và tháng 5/2022 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đã đến thăm Việt Nam. Như vậy, chỉ trong nửa năm, cả hai nước đã thăm chính thức nhau, đây là minh chứng cụ thể nhất về quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Nakatani Gen cho biếtsẽ tiếp thu và ghi nhận những ý kiến, đề nghị của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực xúc tiến để thực hiện những đề xuất trên.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản đều có cùng quan điểm cho rằng việc thúc đẩy hợp tác lao động và phát triển nguồn nhân lực đã và đang mang lại lợi ích kinh tế, xã hội thiết thực cho cả hai quốc gia.
Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản không chỉ mang lại thu nhập tốt hơn cho bản thân mà qua đó còn có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, môi trường lao động chuyên nghiệp. Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất-kinh doanh của Nhật Bản, giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần vào sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.
Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích. Hiện nay, Việt Nam phái cử lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo 5 hình thức: Chương trình thực tập sinh kỹ năng; chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA); chương trình lao động kỹ năng đặc định; chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; lao động xây dựng, đóng tàu. |