Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày cho thấy đa số ý kiến đánh giá dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Chiến lược Cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 về cơ bản đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý trong dự thảo Bộ luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực, cũng có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Bộ luật vẫn còn nhiều lỗi về mặt kỹ thuật văn bản; một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự. Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm quy định của Bộ luật Dân sự thực sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn cho người dân, cho các hoạt động kinh tế nói riêng và cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và trong hội nhập quốc tế.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa và nhiều ý kiến khác tán thành quy định hình thức sở hữu theo phương án 1 gồm ba hình thức sở hữu: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.
Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật cũng tán thành với quan điểm này và cho rằng bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung thì cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập để phù hợp với Hiến pháp và tính chất quan trọng của hình thức sở hữu này trong quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị làm rõ nguyên tắc quyền, trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân đối với chủ thể trong quan hệ dân sự. Trên cơ sở đa số ý kiến tán thành với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo hoàn thiện thuyết trình theo phương án 1 trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.
Về quyền được chuyển đổi giới tính (Điều 36) Bộ luật Dân sự hiện hành và dự thảo Bộ luật lấy ý kiến nhân dân chỉ quy định việc xác định lại giới tính mà không có quy định về chuyển đổi giới tính.
Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của một số bộ, ngành, địa phương và qua một số hội thảo, tọa đàm, trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y, sinh học đến từ Bộ Y tế, Tổng hội Y dược học Việt Nam cho rằng đã đến lúc nên bổ sung quy định mang tính chất chính sách chung của Nhà nước về vấn đề này trong Bộ luật Dân sự.
Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành quan điểm này và đề nghị dự thảo quy định theo phương án việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng dự thảo cần tách thành hai điều: Về xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính.
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 483) dự thảo quy định: "Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”
Một số ý kiến cho rằng việc sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là phù hợp. Đây là mức lãi suất dễ tiếp cận, có sự thay đổi linh hoạt theo tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước xác định rõ: "Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.”
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn về việc dự thảo quy định sửa đổi mức lãi suất từ 150% lãi suất cơ bản của Bộ luật Dân sự hiện hành lên 200% lãi suất cơ bản như quy định của dự thảo; đề nghị ban soạn thảo cần phân tích, lý giải rõ về những căn cứ của việc điều chỉnh này.
Thảo luận về quyền đối với họ, tên và chữ đệm (Điều 26), một số ý kiến tán thành với đề nghị bổ sung nội dung “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái.”
Việc đặt họ, tên và chữ đệm, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này. Thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, như quá dài, không thuần Việt, mà cơ quan đăng ký hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối...
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về quy định "Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái,” bởi trong Hiến pháp 2013 không có quy định nào khống chế nội dung này. Theo Chủ nhiệm, không nên khống chế số chữ cái mà chỉ nên khuyến khích người dân đặt họ, tên và chữ đệm không quá dài vì điều này sẽ gây những phiền hà, rắc rối trong thực tế.
Các vấn đề về thời hiệu và thời hiệu thừa kế, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự... và một số nội dung quan trọng khác đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay.
Dự kiến buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật trưng cầu ý dân và xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần./.