Để thưởng Tết không chỉ là động lực: Gắn kết cùng nhau vượt khó

Hầu hết các doanh nghiệp tại TP.HCM đều cẩn trọng mức lương, thưởng Tết thỏa đáng để tránh gây thiệt thòi cho người lao động và người lao động cũng hết sức sẻ chia với áp lực của doanh nghiệp.
Để thưởng Tết không chỉ là động lực: Gắn kết cùng nhau vượt khó ảnh 1Công nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1. (Ảnh: Hồng Pha/TTXVN)

Năm 2022, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của đoàn viên công đoàn và người lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, việc chăm lo lương, thưởng Tết cho người lao động tốt hơn trong lúc này không chỉ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho công nhân, người lao động trong những ngày Tết đoàn viên mà còn là động lực gắn kết, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế nhanh sau đại dịch.

Công nhân phấn khởi thi đua lao động

Đến thời điểm này, phần đông doanh nghiệp đã công bố kế hoạch lương, thưởng Tết cho công nhân, người lao động dịp Tết 2022, trong đó có cả những doanh nghiệp thâm dụng với hàng chục ngàn lao động.

Song, điều đáng mừng là hầu hết các doanh nghiệp đều cân nhắc cẩn trọng công bố mức lương, thưởng Tết thỏa đáng để tránh gây thiệt thòi cho người lao động; ngược lại hầu hết người lao động cũng hết sức sẻ chia với doanh nghiệp bởi một năm chịu nhiều áp lực, đầy khó khăn bởi tác động từ dịch bệnh.

Trải qua thời gian dài tạm ngừng việc bám trụ ở Thành phố Hồ Chí Minh do dịch bệnh, chị Lê Thị Ngọc Hoa, công nhân một Công ty sản xuất bánh kẹo ở Khu Chế xuất Tân Thuận (quê ở tỉnh Cà Mau) càng thấm với những lo âu, áp lực vừa lo dịch bệnh, vừa chi tiêu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Chị Hoa cho rằng, có được việc làm trở lại là điều đáng mừng, hơn nữa việc doanh nghiệp hỗ trợ tiền trọ, thu nhập, các nhu cầu thiết yếu trong thời điểm dịch bệnh vừa qua cùng với mức lương, thưởng Tết tốt khiến nhiều công nhân lao động an tâm, quyết định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

May mắn hơn, anh Lê Văn Lâm công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1) cùng nhiều đồng nghiệp cho biết, công ty không chỉ công bố thưởng Tết mà còn tăng lương thêm 200.000 đồng cho mỗi người lao động. “Dù không nhiều, nhưng việc này khiến nhiều người lao động rất vui, nhất là năm hết, Tết đến,” anh Lâm chia sẻ.

Theo anh Lâm, trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc tăng lương, thưởng cho thấy sự nỗ lực rất lớn từ lãnh đạo công ty trong việc chăm lo, quan tâm đến người lao động. "Điều này khiến công nhân lao động thật sự trân trọng và nỗ lực gắn bó với doanh nghiệp. Sang Năm mới, chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để không chỉ hoàn thành tốt nhất công việc mà còn phấn đấu thi đua lao động, thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và cao hơn so với năm trước,” anh Lâm cam kết.

Tương tự, anh Trần Quốc Hải, chị Nguyễn Thị Thắm công nhân Công ty cổ phần In số 7 tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân cũng không giấu được niềm vui khi nhận được thông báo mức thưởng Tết và cả phần thưởng sau Tết năm nay khá tốt dù đại dịch gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp và cả người lao động.

"Dịch bệnh khiến chúng tôi nghĩ và dự kiến sẽ chấp nhận mức thưởng Tết này thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, thật bất ngờ và vui mừng khi công ty vẫn duy trì và có mức thưởng khá cao. Điều này khiến chúng tôi thấy cần có trách nhiệm nhiều hơn với công ty,” anh Hải và chị Thắm đồng tình chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ, gần 2 tháng ngồi không nhận lương cơ bản, chị Nguyễn Thị Hải Yến, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (ở quận Bình Tân) rất vui khi trở lại làm việc vào đầu tháng 10/2021.

Những thăng trầm trong đại dịch khiến chị Yến cùng nhiều anh chị em công nhân trong xóm trọ càng hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống, tình đoàn kết, sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau và càng hiểu hơn sự quan tâm của công ty đã có những hỗ trợ cấp thiết, phần lương tối thiểu để giúp công nhân vượt khó trong những ngày chờ dịch bệnh được kiểm soát.

[Doanh nghiệp tại Bình Dương thưởng Tết giữ chân lao động]

“Hiện, hàng nhiều, việc làm không hết, chúng tôi đang nỗ lực hết mình để hoàn thành cơ bản trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Như vậy, dù tình hình dịch bệnh tác động tiêu cực, công ty ngừng sản xuất kéo dài nhưng hầu hết công nhân đều được thưởng Tết từ 1 tháng lương thu nhập trở lên. Tuy có giảm một phần, nhưng hầu hết người lao động đều cảm thông và đồng tình với doanh nghiệp,” chị Yến chia sẻ.

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, đơn hàng bị đình trệ dẫn đến công nhân bị mất việc làm.

Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị vẫn cố gắng xoay xở tìm nguồn trả lương chờ việc và thưởng Tết cho người lao động. “Có thể nói, sự đồng cảm, thấu hiểu của doanh nghiệp trước những gian khó của người lao động hay việc người sử dụng lao động đã và đang có những nỗ lực chăm lo tốt hơn, nhất là việc tăng lương, thưởng Tết khiến người lao động càng an tâm, tin tưởng, gắn bó với nơi làm việc. Trải qua nhiều khó khăn từ dịch bệnh, người lao động có dịp hiểu và thông cảm hơn trước những khó khăn của doanh nghiệp, để từ đó mỗi người tự ý thức tích cực hơn trong lao động, thi đua sản xuất kinh doanh để từ đó thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp, thành phố, giúp người lao động ổn định hơn trong cuộc sống,” ông Phạm Chí Tâm nhấn mạnh.

Cùng hướng đến sự phát triển ổn định

Trong những ngày cuối năm 2021, một số công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ngừng việc tập thể với những lý do xoay quanh về lương, thưởng Tết.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, dù vụ việc được các ngành chức năng phối hợp xử lý, giải quyết nhanh và đạt hiệu quả, nhưng cũng cho thấy những “gút mắc” nhất định giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Để thưởng Tết không chỉ là động lực: Gắn kết cùng nhau vượt khó ảnh 2Liên đoàn Lao động quận Bình Tân tổ chức họp mặt và tặng quà Tết Nhâm Dần năm 2022 cho công nhân lao động Công ty TNHH Dinsen Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Có thể một số ít người lao động chưa thật cảm thông bởi dịch COVID-19 gây nhiều hệ lụy làm giảm nguồn thu, giảm lương thưởng; việc triển khai các gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động còn “vướng,” chưa giải quyết kịp thời khiến cuộc sống càng khó khăn hơn.

Ngược lại, phía doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với người lao động, tùy tình hình thực tế có thể tăng lương, thưởng Tết để người lao động cảm thấy phấn khởi hơn, nhất là trong thời điểm sau khi dịch vừa được kiểm soát và năm hết Tết đến.”

"Trong bối cảnh cạnh tranh lao động như hiện nay, doanh nghiệp nào có chính sách lương, phúc lợi tốt hơn sẽ là một lợi thế để thu hút và giữ chân người lao động lâu dài,” ông Hồ Xuân Lâm cho biết thêm.

Để khắc phục tình trạng này, chị Trần Thị Hồng Vân, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1) cho rằng, công đoàn cơ sở cần bám sát các hoạt động của doanh nghiệp; tranh thủ tối đa sự ủng hộ của doanh nghiệp, bám sát và quyết liệt hơn khi thực hiện các thỏa ước lao động tập thể, nhất là việc chăm lo, tăng lương, thưởng Tết vào dịp cuối năm.

Chị Vân cũng lưu ý Công đoàn cơ sở cũng cần chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; kịp thời hướng dẫn, động viên người lao động chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp để có được việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Cùng quan điểm, ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Datalogic Việt Nam (Khu công nghệ cao Thành Phố Hồ Chí Minh) cũng đánh cao những nỗ lực của tổ chức Công đoàn trong việc hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ cùng công nhân.

Sự sẻ chia của Công đoàn cơ sở không chỉ giúp công ty đã kịp thời triển khai nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động an tâm làm việc mà còn tuyên truyền động viên người lao động vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Được chăm lo, đãi ngộ tốt nên tỷ lệ công nhân nghỉ việc rất thấp và nhiều người trong số đó đã gắn bó với công ty hơn 10 năm. Hiện nhà máy Datalogic Việt Nam trở thành hình mẫu về ổn định quan hệ lao động tiến bộ trong tập đoàn,” ông Trần Tiến Phát chia sẻ.

Sau một năm ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, không chỉ người lao động mà ngay cả người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về tài chính. Do đó, lương, thưởng Tết đang là vấn đề "nóng,” cấp bách là khoản tiền hết sức quan trọng với người lao động và cũng khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ở góc độ đại diện cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hằng năm các doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn để xây dựng mức lương, thưởng Tết cho người lao động.

Tuy nhiên, Tết năm nay, một số doanh nghiệp vì khó khăn mà lương, thưởng không đáp ứng được nhu cầu khiến một số nơi người lao động ngừng việc.

“Trong lúc này, người lao động cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhưng về trách nhiệm thì doanh nghiệp cũng cần thấy lương, thưởng Tết là khoản quan trọng với người lao động, nhất là sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19,” ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

Việc chăm lo tốt cho công nhân, người lao động dịp Tết không chỉ khẳng định uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, của tổ chức Công đoàn mà còn tạo sự gắn kết mật thiết giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp.

Hơn lúc nào hết, người sử dụng lao động, các chủ doanh nghiệp hãy chia sẻ với người lao động; chấp nhận ít lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận trong thời điểm này nhằm giúp người lao động được vui Xuân, đón Tết, để Tết đến thật sự với mọi người, mọi nhà.

Đây chính là động lực để người lao động không chỉ quay lại, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà còn tích thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo thúc đầy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục