Trình công nhận hát Then là Di sản phi vật thể

Đệ trình hát Then là Di sản phi vật thể của nhân loại

Tỉnh Tuyên Quang được giao làm đầu mối trong việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi hát then vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đệ trình hát Then là Di sản phi vật thể của nhân loại ảnh 1Biểu diễn làn điệu hát Then. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nhằm hoàn thiện hồ sơ đệ trình Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015, Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cơ quan chuyên môn được giao chịu trách nhiệm về nội dung khoa học của bộ hồ sơ, đang phối hợp với các tỉnh có di sản Then thực hiện kế hoạch xây dựng hồ sơ quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam.”

Tỉnh Tuyên Quang được giao làm đầu mối trong việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hiện các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang đang phối hợp với Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức điền dã thu thập tài liệu, tổ chức ghi hình, thu thanh, dịch thuật các hình thức lễ Then tại các địa phương (thời gian từ tháng 5-9/2014); tập hợp tài liệu, đặt các bài viết chuyên đề về di sản Then, tổng hợp, biên soạn sách kiểm kê, kỷ yếu hội thảo quốc tế, xây dựng bản đồ điện tử, viết hồ sơ khoa học theo mẫu UNESCO quy định.

Các đơn vị cũng chuẩn bị tổ chức hội nghị khoa học quốc tế về di sản Then để quảng bá cho di sản, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của các nhà khoa học quốc tế cho di sản (dự kiến diễn ra trong tháng 7 tại Tuyên Quang).

Thời gian qua, để chuẩn bị cho tiến trình đưa hát Then trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, tại các tỉnh phía Bắc, đã tổ chức liên hoan hát Then, đàn Tính, với mục đích khẳng định vị trí của loại hình nghệ thuật này.

Đồng thời, qua khảo sát sơ bộ, hát Then xưa và nay là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, không thể thiếu vắng trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang.

Then là tên gọi Thái-Tày để chỉ một loại hình văn hóa tín ngưỡng trong các tộc nói tiếng Thái-Tày như Lào, Lự, Giáy và các nhóm Thái-Tày địa phương như Thái Trắng, Tày Cao Bằng, Tày Bắc Kạn, Tày sông Lô.

Then bắt nguồn từ niềm tin “vạn vật có linh hồn,” là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống ông cha.

Trước đó, ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL chứng nhận Nghi lễ Then của người Tày tỉnh Tuyên Quang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.