Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không nên đề cử hai quy định về thời gian làm thêm giờ và quy định trang bị bảo hộ lao động là quy định tồi do hai quy định này còn nhiều ý kiến khác nhau.
Đây là nội dung công văn số 1733/LĐTBXH-PC do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi VCCI về việc cung cấp thông tin bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất.
Trả lời văn bản của VCCI về việc cung cấp thông tin thêm cho cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đã có văn bản trả lời đề nghị VCCI cân nhắc việc sử dụng cụm từ “quy định pháp luật tốt nhất” và “quy định pháp luật tồi nhất” vì VCCI chưa đưa ra tiêu chí đánh giá về nội dung này.
Bộ Luật Lao động đã được Quốc hội khóa 13 thông qua sau khi đã tiếp thu ý kiến của rất nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các chuyên gia... để thông qua. Vì vậy, khi áp dụng điều luật trên thực tế cần xem xét, đánh giá một cách tổng thể cho phù hợp, không nên áp dụng cho từng đối tượng, phạm vi để xem xét, bình luận.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng có ý kiến với hai nội dung về thời gian làm thêm giờ và quy định trang bị bảo hộ lao động do VCCI đề cử là quy định pháp luật tồi sau khi tập hợp từ ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Theo lý giải của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở sự phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình và các điều kiện xã hội của người lao động.
Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, xuất phát điểm thấp, năng suất lao động chưa cao và qua điều tra, khảo sát thực tiễn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội 13, nhiều doanh nghiệp đề xuất mở rộng thời giờ làm thêm cho phù hợp.
Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích trên cơ sở yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như đảm bảo sức khỏe, sự phát triển về thể chất, tinh thần của người lao động Việt Nam hiện nay và mai sau để đề xuất cấp có thấm quyền ban hành quy định cho phù hợp.
Đối với quy định trang bị bảo hộ lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động, khi triển khai trong thực tế một số doanh nghiệp gặp khó khăn do quy định chưa đảm bảo tính linh hoạt.
Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp nhưng đảm bảo nguyên tắc an toàn lao động đối với người lao động và thực tiễn của doanh nghiệp, có sự tham gia, thống nhất của đại diện người lao động tại doanh nghiệp./.
Cuộc bình chọn quy định tốt nhất và tồi nhất do VCCI tổ chức bắt đầu nhận đề cử từ tháng 12/2015 tới 29/2/2016 trên trang web http://topten.vibonline.com.vn và fanpage trên Facebook mang tên “Cuộc bình chọn 10 quy định tốt nhất và tồi nhất.”
Theo VCCI, tính đến hết giai đoạn đề cử, ban tổ chức đã nhận được 9.927 lượt đề cử của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, cá nhân, tổ chức về tất cả các quy định được cho là tốt và tồi.