91.000 lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn 2018-2021 có thể sẽ nhận được hỗ trợ từ 0,2%-12% lương hưu, số tiền hỗ trợ này tương ứng với mức chênh lệch do thay đổi cách tính lương hưu.
[Từ ngày 1/7: Tăng gần 7% lương hưu, trợ cấp cho hơn 3 triệu người]
Đây là nội dung dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu cho số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến.
Dự thảo Nghị định quy định mức điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018-2021 mà tỷ lệ hưởng lương thấp hơn so với người có cùng số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017, bảo đảm hài hòa với lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của nam giới bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng thời điểm.
Do thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ là khác nhau nên tỷ lệ hưởng lương hưu bị giảm trừ cũng khác nhau, dẫn đến các mức điều chỉnh cũng phải tính toán tùy thuộc vào số thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và năm nghỉ hưu. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu thêm một khoản tiền được tính tỷ lệ từ 0,27% tới 12,31 % tùy theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Mức điều chỉnh lương hưu được áp dụng đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021.
Với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến ngày 30/6/2018, sau khi được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì tiếp tục được điều chỉnh lương hưu theo dự thảo này.
Đối với lao động nữ đã nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày được điều chỉnh lương hưu theo quy định trên được truy lĩnh phần lương hưu được điều chỉnh tăng thêm trong khoảng thời gian từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu tới tháng liền kề tháng được điều chỉnh lương hưu.
Theo số liệu dự báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 mà có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội là khoảng trên 91.000 người. Trong đó, năm 2018: 20.500 người; năm 2019 là 22.000 người; năm 2020 là 23.500 người và năm 2021 là 25.100 người.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để thực hiện theo phương án hỗ trợ, giai đoạn từ 2018 đến 2021 cần nguồn kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018 là 27,8 tỷ đồng; năm 2019 là 23,7 tỷ đồng; năm 2020 là 18,1 tỷ đồng và năm 2021 là 10,3 tỷ đồng. /.
Từ ngày 1/1/2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bên cạnh một số ưu điểm, quy định thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1/1/2018.
Do quy định công thức tính lương hưu của nam được áp dụng nhưng có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm còn của nữ thì áp dụng thay đổi ngay trong năm 2018 nên dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017 (từ 1%-10%). Đồng thời, cũng tạo ra tâm lý so sánh giữa lao động nữ và lao động nam khi lao động nam chỉ giảm 1% đến 2%.