Tận dụng cơ hội để phát triển, các bộ, cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm đã nỗ lực, tích cực triển khai các nhiệm vụ phát triển vùng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Địa phương trong các vùng đang nỗ lực từng ngày phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, chủ động đối mặt với những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển.
Bên lề Đại hội XIII của Đảng, nhiều đại biểu từ địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước đã chia sẻ nhiều ý kiến đánh giá nội dung được bàn thảo trong các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đối với vấn đề phát triển vùng hiện nay.
Phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên
Đánh giá cao nội dung phát triển vùng được đề cập trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, nêu ý kiến đối với khu vực Tây Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho rằng, vấn đề quản lý và phát triển rừng đang ngày càng quan trọng đối với vùng.
Do đó, nhiệm kỳ này, tỉnh Đắk Lắk quyết định nâng độ che phủ từ 38% lên 42-44% thông qua việc đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh trồng rừng, bao gồm rừng sản xuất.
Đồng thời, Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết với những quy định rất cụ thể về công tác bảo vệ rừng; theo đó, nếu vi phạm quy định gây mất rừng, chủ rừng sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo đại biểu Bùi Văn Cường, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai xử lý mạnh, một số chủ rừng đã bị khởi tố. Đây là thông điệp mạnh mẽ để gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương.
“Để xảy ra việc xây nhà trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp hoặc chuyển đổi không đúng mục đích, phá rừng, sẽ có thể bị mất chức,” Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nêu rõ.
[Đại hội XIII: Hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế]
Cùng theo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường, hiện nay, tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại cho lực lượng Kiểm lâm như thiết bị bay để giám sát, bảo vệ rừng. Đồng chí Bùi Văn Cường cho rằng, lực lượng Kiểm lâm hiện nay mỏng, nếu không có thiết bị hiện đại không thể xác định được và như vậy sẽ bị mất rừng.
Đắk Lắk đang triển khai quyết liệt để đảm bảo câu chuyện bảo vệ rừng của Tây Nguyên, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
Đối với tỉnh Gia Lai,đại biểu Nguyễn Xuân Phước, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai đề xuất, kiến nghị một số nội dung phát triển tỉnh Gia Lai nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung; trong đó chú trọng kết nối Đông-Tây, khu vực Việt Nam-Lào- Campuchia, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên, quan tâm tới công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa; nâng cao mức sống, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên trong đó có tỉnh Gia Lai.
Phấn khởi trước khí thế Đại hội và những nội dung đóng góp vào công cuộc phát triển vùng Tây Nguyên trong các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, đại biểu Nguyễn Xuân Phước tin tưởng chắc chắn sau khi Nghị quyết Đại hội XIII được thông qua sẽ được triển khai kịp thời tại khu vực Tây Nguyên và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền
Đánh giá về những yếu tố phát triển kinh tế biển, đảo cùng việc giữ gìn an ninh chủ quyền đất nước được đề cập trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đề cập đến nội dung tập trung vào lĩnh vực đầu tư, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cũng như kết nối hệ thống điện quốc gia đến các huyện đảo để tập trung phát triển kinh tế-xã hội biển đảo gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với trách nhiệm là đại biểu của tỉnh, đại diện cho Đảng bộ huyện Côn Đảo dự Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Lê Văn Phong bày tỏ vui mừng khi dự thảo Văn kiện có nội dung về phát triển kinh tế-xã hội vùng biển đảo để nền kinh tế khu vực này phát triển bền vững, đồng thời hỗ trợ cho công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo và lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Chia sẻ định hướng phát triển huyện đảo Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Phong cho biết, mới đây, huyện đảo Côn Đảo vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng đưa vào đầu tư công trung hạn 2021-2026 và dự án cấp điện cho huyện đảo từ điện lưới quốc gia.
Đồng chí Lê Văn Phong mong muốn dự án này sớm được triển khai để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, góp phần phát triển Côn Đảo thực sự trở thành Khu Du lịch quốc gia theo đúng định hướng của Thủ tướng Chính phủ.
Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương
Chia sẻ về giải pháp phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở tỉnh Vĩnh Long - địa phương phát triển khá trong khu vực, đại biểu Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “nông nghiệp; công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ.”
Theo đó, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn, xâm nhập mặn; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Lữ Quang Ngời đồng tình với tham luận tại Đại hội đóng góp cho dự thảo Văn kiện Đại hội XIII có nội dung đề cập đến phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có những nội dung cụ thể về quy hoạch và đề xuất để có những đột phá để phát triển vùng.
Theo đồng chí Lữ Quang Ngời, trong kết nối vùng, tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, kết nối tốt với toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát huy tối đa lợi thế trong hợp tác, liên kết, kết nối với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; chủ động, phù hợp với đặc thù biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn sát với nhu cầu thị trường.
Chú trọng phát triển vùng và liên vùng
Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên Phạm Hồng Quang, đánh giá, trong chiến lược phát triển vùng, chỉ có phát triển vùng và liên vùng mới giải quyết được những đề lớn, trọng đại như: Phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, sinh thái... Đây là điều kiện căn cốt để phát triển bền vững đất nước.
Theo đại biểu Phạm Hồng Quang, Đại học Thái Nguyên, với tư cách là đại học vùng, đã xác định rõ trách nhiệm giải quyết những vấn đề của vùng, của đất nước. Do đó, Đại học Thái Nguyên rất coi trọng nghiên cứu mang tính chất hệ thống trong các lĩnh vực về nông nghiệp, công nghiệp, sinh thái, môi trường.
Toàn bộ những lĩnh vực đó phải được tiếp cận một cách hệ thống bởi chỉ có tiếp cận một cách hệ thống mới giải quyết những vấn đề về môi trường, sinh thái bền vững. Đại biểu Phạm Hồng Quang bày tỏ vui mừng khi vấn đề quan trọng này được đề cập trong Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng./.