Đề xuất giải pháp, tạo thêm động lực phát triển KT-XH vùng ĐBSCL

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh lưu ý, cần làm rõ những lợi thế, thách thức đôi với phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, phát hiện các nguồn lực, nhân tố mới để mở rộng nghiên cứu.
Đề xuất giải pháp, tạo thêm động lực phát triển KT-XH vùng ĐBSCL ảnh 1Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 1/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết, đã chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đồng bằng sông Cửu Long luôn là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Vùng có vị trí địa chính trị và địa quân sự rất quan trọng; là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất của Đông Nam Á, là vựa lúa của cả nước; là địa bàn sinh sống, gắn bó, đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm...; có nền văn minh sông nước độc đáo không chỉ với Việt Nam, khu vực mà trên thế giới.

Với ý nghĩa, vai trò như vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW. Nghị quyết đã xác định những định hướng, mục tiêu, giải pháp để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của vùng.

Nghị quyết xác định huy động cao nhất các nguồn lực, trước hết là nội lực, nguồn lực của các thành phần kinh tế; đặc biệt quan tâm xây dựng và phát huy nhân tố con người để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; phát triển kinh tế biển (nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, du lịch, vận tải biển…)

[Bài toán cho hàng hóa Đồng bằng sông Cửu Long: Mở rộng cửa xuất khẩu]

Năm 2012, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sơ kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết, trên cơ sở đó ban hành Kết luận 28-KL/TW ngày 14/8/2012 Bộ Chính trị khóa XI.

Kết luận 28-KL/TW xác định vùng Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển; xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia...

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch, phát triển đúng hướng, với quy mô, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Vùng đã khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước.

Các chương trình phục vụ an sinh xã hội đã góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng ngập lũ. Thế trận quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được củng cố…

Đề xuất giải pháp, tạo thêm động lực phát triển KT-XH vùng ĐBSCL ảnh 2Thu hoạch lúa Hè Thu 2020 ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thuộc vùng dự án VnSAT. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng chỉ rõ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam. Tình hình dân tộc, tôn giáo vẫn có những diễn biến phức tạp…

Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu… của Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW.

Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng Đề án, cần đánh giá khái quát vị trí vùng, tương quan với các vùng trong cả nước và với quốc tế; cần chú ý đến một số yếu tố về nông nghiệp, đất đai, nhân lực, đảm bảo phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến cũng đề cập đến vấn đề lồng ghép khoa học-công nghệ vào từng lĩnh vực, quan tâm đến môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng-an ninh, tăng cường liên kết vùng; chú ý đến văn hóa đồng bào dân tộc...

Một số địa phương kiến nghị về các giải pháp đột phá cho phát triển hạ tầng, đầu tư, vấn đề sinh kế của người dân; giải pháp hỗ trợ cho các tỉnh và cần có cơ chế cho vùng.

Đánh giá cao sự làm việc tích cực, đóng góp ý kiến sâu sắc của các đại biểu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị tất cả thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phát huy tinh thần sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện sự phân công nhằm hoàn thành tiến độ đề ra. Theo đó, tổng kết đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, sâu sắc về những việc đã làm được, chưa làm được và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh lưu ý, cần đi sâu, làm rõ những lợi thế, thách thức đôi với phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, nhất là những thách thức trong bối cảnh mới; phát hiện các nguồn lực, nhân tố mới để mở rộng nghiên cứu và làm rõ, đặc biệt trong mối liên hệ với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề có liên quan.

Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, việc tổng kết cũng cần xác định rõ thế mạnh của vùng trong mối quan hệ với vùng Đông Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước; tìm ra những điểm mới có tính chất khơi thông, mở đường cho khai thác, phát huy được nguồn lực con người, điều kiện tự nhiên, xã hội.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.