Đề xuất giảm kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài

Có khá nhiều các địa phương đã xin trả lại vốn và dự án sử dụng vốn ODA như Hà Giang đã xin trả lại 4/7 dự án, Bạc Liêu xin trả lại 131 tỷ trên tổng số 217 tỷ đồng được giao.
Đề xuất giảm kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài ảnh 1Vận hành thử đoàn tàu Nhổn-ga Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 1/12, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị với các bộ, ngành, địa phương về giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng và các giải pháp thúc đẩy giải ngân cuối năm với sự tham gia của 13 bộ, ngành và 61 địa phương được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài để rà soát các vướng mắc, làm rõ các nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp.

Thứ trưởng cho biết theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính thì tổng số giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt 26,06% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022. 

Kết quả giải ngân 11 tháng năm 2022 đầu tư công nguồn vốn nước ngoài cho thấy tốc độ giải ngân từ nguồn vốn này chậm so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước (đạt khoảng 60% kế hoạch).

Ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng nói trên gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% kế hoạch vốn).

Tuy nhiên, vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).

Đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 8/13 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng (số này không bao gồm 250,364 tỷ đồng của Bộ Tài nguyên Môi trường và 50 tỷ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm), 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó đã có 54 địa phương và 10 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó, còn 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%; có 3 bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.

[Bộ trưởng GTVT: Địa phương ‘đuối’ giải ngân sẽ không có dự án mới]

Cũng theo ông Võ Hữu Hiển, trong tổng số 294 dự án, tiểu dự án trong cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022; trong đó 114/294 dự án chưa giải ngân, với số kế hoạch vốn được giao là 6.235,2 tỷ đồng chiếm 18,03% kế hoạch vốn giao; 47/294 dự án giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn, 59/294 dự án giải ngân trong khoảng từ 20-50% kế hoạch vốn và 74/294 dự án giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.

Là một trong những địa phương có vốn đầu tư công nước ngoài lớn, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư thành  phố Hà Nội cho biết, năm 2022, có 5 dự án của  thành phố được giao kế hoạch vốn ODA là 5.157.901 triệu đồng, ước đến hết tháng 11 đã giải ngân được hơn 3.800.000 triệu tỷ đồng tương đương 73,67%. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tú việc thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2022 của Hà Nội tăng là do vướng mắc của dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội đã cơ bản được giải quyết, nhà thầu thi công gói thầu CP03 0 hầm và các ga ngầm đã quy trở lại thực hiện thi công và chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục thanh toán các gói thầy tư vấn, xây dựng lắp thiết bị.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều các địa phương đã xin trả lại vốn và dự án sử dụng vốn ODA như Hà Giang đã xin trả lại 4/7 dự án, Bạc Liêu xin trả lại 131 tỷ trên tổng số 217 tỷ đồng được giao.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng về nguyên nhân của việc giải ngân thấp, Bộ Tài chính thấy rằng, nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm (do vướng trong một số khâu như giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, ký hợp đồng, giá nguyên vật liệu tăng...). Đồng thời, cũng có nguyên nhân từ việc các chủ dự án chưa tập hợp các kiểm soát chi gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính.

Đề xuất giảm kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài ảnh 2Dự án Nâng cấp hệ thống thuỷ lợi sông Lèn tại tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư hơn 1.616 tỷ đồng (bằng nguồn vốn ODA Hàn Quốc). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ Ngân hàng Nhà nước (WB) áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu.

Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.

Thứ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, trong đó có nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ trong 2 tháng còn lại của kế hoạch vốn năm 2022 đặt ra rất nhiều thách thức, đặc biệt nhất là các chủ dự án, ban quản lý dự án.

Nếu các bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại trình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và ảnh hướng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của giai đoạn trung hạn 2021-2025.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.

Đối với các hoạt động dự án có khả năng hoàn thành thì các cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu, các cơ quan phê duyệt chuyên môn) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, bố trí đủ vốn đối ứng, đảm bảo việc thực hiện thông suốt, khẩn trương nghiệm thu khối lượng và gửi hồ sơ đến cơ quan kiểm soát chi và tập hợp để giải ngân.

Đặc biệt, đối với các dự án năm 2022 là năm cuối thực hiện, giải ngân, các cơ quan chủ quản cần chỉ đạo các chủ dự án xử lý dứt điểm đề hoàn thành khối lượng và giải ngân.

Với các hoạt động dự án vẫn đang ở giai đoạn hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng, các vướng mắc về đất đai, tài nguyên, đấu thầu, các dự án đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa xong điều chỉnh hiệp định vay...: các chủ dự án báo cáo rõ với cơ quan chủ quản về khả năng thực hiện và hoàn tất các thủ tục này để thực hiện dự án và giải ngân trong năm 2022.

Trường hợp có khả năng hoàn thành các thủ tục để đầu tư, cần tập trung dứt điểm để hoàn thành. Trường hợp không khả thi, đề nghị rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện và kế hoạch vốn trong năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.