Dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công của ngành giao thông luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh cần phải tiếp tục tăng tốc giải ngân.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban tháng 11/2022 vào sáng 30/11, Bộ trưởng Thắng đánh giá mặc dù 11 tháng qua gặp rất nhiều khó khăn và thách thức đặc biệt là ảnh hưởng của “bão giá,” tình hình thời tiết diễn biễn phức tạp, tuy nhiên kết quả chung của ngành giao thông đến thời điểm này có nhiều nét tích cực.
Đơn cử, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đáp ứng kế hoạch, số liệu vận tải tăng trưởng đáng phấn khởi thể hiện sự phục hồi tích cực khi chuyển đổi trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý các đơn vị không được phép bằng lòng, tự mãn không so sánh với kết quả chung, vì trong bối cảnh hiện nay, kết quả giải ngân của ngành giao thông đóng góp rất quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu này, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải yêu cầu những dự án lớn như 4 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây) phải phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch. Riêng với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 phải rốt ráo hơn nữa công tác chuẩn bị.
“Tinh thần là khởi công càng nhiều càng tốt, cứ có mặt bằng là phải đẩy nhanh thủ tục khởi công. Khởi công nhanh, giải ngân mới có thể tăng tốc,” Bộ trưởng nói.
[Sẽ ‘chọn mặt, gửi vàng’ nhà thầu làm cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2]
Nhìn nhận tình hình trật tự an toàn giao thông so với thời điểm trước đại dịch có giảm cả 3 tiêu chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng vẫn để xảy ra một số vụ tai nạn giao thông thương tâm, đáng tiếc xảy ra, bước đầu có thể nhận thấy đến từ nguyên nhân ý thức, kỹ năng của người điều khiển phương tiện dẫn đến những hậu quả đau lòng…
“Sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa xảy ra, từ góc độ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ phải lật hết ra để phân tích nguyên nhân là gì? Giải pháp là gì? Khi xác định được giải pháp phải đảm bảo triển khai đồng bộ, tổng thể ngắn hạn và dài hạn, khả thi, nguyên tắc tai nạn giao thông giảm nhưng phải bền vững. Siết chặt công tác quản lý Nhà nước trong vấn đề đào tạo, cấp giấy phép lái xe, kiểm soát chặt quy định về lắp đặt, theo dõi, giám sát thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình,” Bộ trưởng Thắng cho hay.
Nhấn mạnh một số vấn đề mang tính dài hạn, cũng là tiền để để thực hiện trong năm 2023, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ cần phải bắt tay ngay từ bây giờ để nghiên cứu, tham mưu những kế hoạch chi tiết, các cơ chế chính sách để triển khai các quy hoạch chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, các đơn vị ngành giao thông hoàn thiện các chính sách để huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; cơ chế thu hồi vốn tại các dự án đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư để phục vụ tái đầu tư trên tinh thần phải tạo được sự đột phá, đáp ứng được nhu cầu, quyền lợi khách quan của đất nước, của xã hội, của doanh nghiệp và người dân.
Về công tác trật tự an toàn giao thông và hoạt động vận tải, theo Bộ trưởng, bắt đầu từ tháng 12 hoạt động vận tải bắt đầu nhộn nhịp, đặc biệt là thời điểm Tết Dương lịch và Tết Âm lịch 2023.
Do đó, ông yêu cầu Vụ Vận tải và các Cục quản lý chuyên ngành liên quan đến hoạt động vận tải đặc biệt là lĩnh vực đường bộ, hàng không tập trung trách nhiệm, thực hiện quyết liệt các giải pháp với 2 yêu cầu gồm vận chuyển hàng hóa, hành khách phải thuận tiện và an toàn nhất có thể./.