Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cụ thể hóa nội dung, thủ tục hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách hỗ trợ lao động tự do chưa cụ thể, cần có văn bản hướng dẫn thêm, bởi đây là nhóm mà các địa phương đang gặp khó khăn khi xác định đối tượng.
Đây là một trong những khuyến nghị mà Tổ chức Oxfam và Mạng lưới lao động di cư (M.net) vừa gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ít hỗ trợ lao động tự do
Đánh giá của các cơ quan hữu quan cho thấy quá trình thực hiện Nghị Quyết 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 năm 2020 chưa thành công và hiệu quả như mong đợi của Chính phủ và người dân. Tỷ lệ chi hỗ trợ trực tiếp mới đạt hơn 22% toàn gói 62.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nhóm lao động tự do, như hàng rong, xe ôm không có hợp đồng lao động bị mất việc làm, chỉ hỗ trợ được hơn một triệu người với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, trong khi theo Tổng cục thống kê, số Lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 là 20,3 triệu người.
Bà Nguyễn Hoàng Yến, Quản lý chương trình Viện Light (thuộc M.net) cho biết: “Nhiều người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 không nhận được hỗ trợ, trong khi họ lại là những người lao động có thu nhập thấp, bấp bênh, gia đình thường không có khoản tiết kiệm, dự phòng và không có bảo hiểm xã hội hay chưa thuộc nhóm hưởng chính sách an sinh xã hội. Đa phần trong số này đều là lao động di cư. Đánh giá nhanh vào năm 2020 của chúng tôi cho thấy họ thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, nhiều người đã và đang rơi vào đói nghèo.”
Theo bà Nguyễn Hoàng Yến, nguyên nhân quá trình thực hiện Nghị Quyết 42/NQ-CP năm 2020 chưa được như kỳ vọng là do thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này. Mặt khác, việc quy định quá chặt chẽ và thiếu tính khả thi về các tiêu chí, thủ tục hỗ trợ, đã gây ra nhiều rào cản đối với người lao động khi tiếp cận với gói hỗ trợ, thậm chí có tỉnh bỏ sót nhiều đối tượng.
[Nghị quyết 68/NQ-CP: Triển khai ngay không chờ đợi, không thêm thủ tục]
Nghị quyết 68/NQ-CP quy định các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tự do. Quy định này có điểm tích cực là tạo sự chủ động của chính quyền địa phương, tuy nhiên việc không có hướng dẫn cụ thể tạo ra nguy cơ bất bình đẳng trong thực thi chính sách, bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng việc thiếu các quy định và hướng dẫn rõ ràng về chính sách cũng như trách nhiệm thực thi sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương đối với nhóm lao động tự do di cư và mức độ thực hiện sẽ rất khác nhau giữa các tỉnh. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, dẫn đến nguy cơ không thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra là đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đề xuất Chính phủ chi trả hỗ trợ cho lao động di cư
Với mong muốn thực hiện thành công và hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Tổ chức Oxfam và M.net đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định hoặc giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP đối với nhóm lao động tự do. Trong đó, cần quy định trách nhiệm thực thi chính sách của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này. Lấy quy định về trách nhiệm làm tiêu chí đánh giá sự vào cuộc của địa phương trong việc ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội toàn dân.
Các tổ chức dân sự đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mở rộng hỗ trợ tất cả các nhóm việc làm khác nhau của người lao động tự do và dựa trên một tiêu chí duy nhất đó là bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của COVID-19. Ủy ban nhân dân các các tỉnh đơn giản hóa quy trình, thủ tục và quy định thời gian thực hiện kịp thời, hiệu quả, bao gồm: Thủ tục rà soát, lập danh sách lao động...
Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ năm 2020, các tổ chức dân sự đề xuất bỏ yêu cầu người dân chứng minh cư trú hợp pháp có đăng ký thường trú hoặc tạm trú và bỏ yêu cầu lấy xác nhận ở nơi thường trú hoặc tạm trú khi đăng ký nhận hỗ trợ.
“Về ngân sách hỗ trợ, đề nghị Chính phủ dùng ngân sách trung ương hỗ trợ với lao động tự do không phải là người lao động di cư thuộc các tỉnh, thành phố, đặc biệt khó khăn là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và các tỉnh đang gặp khó khăn. Đối với nhóm đối tượng lao động tự do di cư (từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc), các tổ chức cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% từ ngân sách trung ương để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh có lao động đi và tỉnh, thành phố có lao động đến,” ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh.
Đối với việc giám sát, các tổ chức đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế và huy động sự tham gia người dân và các tổ chức xã hội trong quá trình thực hiện, giám sát gói hỗ trợ.
Các tổ chức dân sự cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng một cơ sở dữ liệu và báo cáo quốc gia với các thông tin liên tục cập nhật về người lao động tự do đăng ký và nhận hỗ trợ. Đây cũng là yêu cầu tất yếu và là tiền đề của xây dựng cơ sở dữ liệu số toàn dân và thực thi Chính phủ điện tử hiệu quả, minh bạch, giúp loại bỏ các thủ tục hành chính truyền thống tốn kém và không hiệu quả./.