Để có một cơ cấu giá khách quan cho người chăn nuôi không bị thua lỗ đồng thời nhà máy chế biến cũng mua được nguyên liệu với giá hợp lý nhất, Cục Chăn nuôi đề nghị hình thành Ủy ban sữa quốc gia bao gồm đại diện người sản xuất sữa, nhà chế biến sữa, Hội người tiêu dùng và đại diện cơ quan của Chính phủ.
Đó là đề xuất vừa được đại diện Cục chăn nuôi ông Lã Văn Thảo, Trưởng phòng gia súc lớn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tại hội thảo “Mô hình tổ chức, công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa và đánh giá phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg ngày 26-10-2001 về một số biện pháp và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội xuất khẩu sữa Hoa Kỳ tổ chức sáng nay (23/7), tại Hà Nội.
Liên quan đến đề xuất trên, theo ông Lã Văn Thảo, giá sữa chi trả cho nông dân là vấn đề nóng ở nhiều nước và họ cho rằng nhà máy chế biến sữa đã áp dụng giá sữa quá thấp. Còn ở Việt Nam, các nhà chế biến sữa lại phụ thuộc vào sữa bột. Về lâu dài, tình hình này không có lợi cho nhà máy chế biến sữa và cho người tiêu dùng vì sớm hay muộn thì sữa tươi cũng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn sữa bột hoàn nguyên.
"Giá con giống cao và liên tục tăng cũng là lý do tăng chi phí khấu hao con giống trong cơ cấu giá thành sữa. Cụ thể, năm 2000 giá từ 11-14 triệu đồng/con, năm 2003 đã tăng lên thành 19-20 triệu đồng/con và đến năm 2012-2013 đã có giá 60-70 triệu đồng/con.
Trong khi đó, nhiều mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, sản xuất thiếu tính tập trung, hệ thống thu mua, bảo quản sữa còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng và giá cả cạnh tranh của các sản phẩm sữa," ông Thảo cho hay.
Do đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng cần xây dựng thị trường sữa có tiếng nói chung giữa người sản xuất sữa tươi, nhà chế biến và Hội người tiêu dùng như một số nước trên thế giới để bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa các bên.
Hiện nay, mức tiêu thụ sữa bình quân trên đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 14,8 kg/người, thấp hơn so với mức 35kg/người của khu vực châu Á do vậy nhu cầu và thị trường sữa của Việt Nam còn cao.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng yêu cầu, các địa phương cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia và đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất sữa, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho ngành sữa Việt Nam. Bên cạnh đó, hoàn thiện quản lý Nhà nước trong phát triển bò sữa nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu trong tương lai./.
Số lượng đàn bò sữa cả nước đã tăng từ 41,24 nghìn con năm 2000 lên 128,58 nghìn con năm 2010 và từ tháng 4 năm 2014 đã tăng lên trên 200 nghìn con.
Theo đó, sản lượng sữa cả nước tăng từ 64,7 nghìn tấn năm 2001 lên 306,66 nghìn tấn năm 2010 và 456,39 nghìn tấn năm 2013.