Đề xuất tích hợp bảy loại giấy phép môi trường thành một

Một số nội dung vẫn còn nhiều ý kiến, phương án khác nhau nên cần được tiếp tục cân nhắc, nhất là cần được các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến thêm.
Đề xuất tích hợp bảy loại giấy phép môi trường thành một ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 4/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Đây là các dự án Luật sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ các dự thảo Luật này đã được nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, bước đầu có sự chỉnh lý.

[Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung]

Tuy nhiên, một số nội dung vẫn còn nhiều ý kiến, phương án khác nhau nên cần được tiếp tục cân nhắc, nhất là cần được các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến thêm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, góp ý kiến, nêu rõ quan điểm về những vấn đề được đề cập trong hai dự án Luật. Qua thảo luận sẽ có luận cứ thuyết phục để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

Tiến bộ và rất cần thiết

Trong sáng nay, cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nhiều nội dung liên quan đến giấy phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án liên quan đến giấy phép về môi trường.

Đề xuất tích hợp bảy loại giấy phép môi trường thành một ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo phương án 1 (Phương án Chính phủ trình), chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, để thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.

Đồng thời, dự thảo Luật quy định trong nội dung giấy phép môi trường đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Theo phương án 2, vẫn có giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi.

Tán thành với phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhấn mạnh việc tích hợp này là điểm mới, tiến bộ và rất cần thiết. Đại biểu phân tích, các giấy phép hiện nay như giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều được cấp dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả vận hành công trình bảo vệ môi trường, các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tiếp nhận nước thải vào môi trường. Những căn cứ này đều giống nhau.

Bên cạnh đó, nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này về bản chất giống nhau. “Nội dung xả nước thải đang chịu sự quản lý của 2 thủ tục hành chính khác nhau, có nội dung tương đồng. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp là các giấy phép này có yêu cầu khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp,” đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chỉ rõ.

Đáng chú ý, việc phân cấp cấp Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang dựa trên phân cấp quản lý công trình, không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp.

Điều này dẫn đến thẩm quyền cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi không tương thích với thẩm quyền quản lý hồ sơ về môi trường đối với một số trường hợp.“Có khi, cơ sở xả nước thải quy mô không lớn, thuộc thẩm quyền quản lý hồ sơ về môi trường của cấp huyện, nhưng lại phải xin cấp phép xả nước thải ở cấp tỉnh hoặc cấp bộ,” đại biểu dẫn chứng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng việc tích hợp từ 7 giấy tờ thủ tục thành 1 giấy phép mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính.

Đề xuất tích hợp bảy loại giấy phép môi trường thành một ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Điều này giúp giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm, tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này. Tuy nhiên, cần phải làm rõ, cụ thể hơn chức năng các bộ liên quan để thực hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, các giấy phép xả thải vào nguồn nước và xả thải vào công trình thủy lợi đều dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, cần có cơ chế để đảm bảo tính minh bạch, chống tiêu cực trong vấn đề này.

Thận trọng khi thu hẹp đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là quy định về phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án.

Phương án 1 (Chính phủ trình) quy định cơ bản dựa trên phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường).

Phương án 2 đã được tiếp thu, chỉnh lý để phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường. Quy định này dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường. Theo đó, chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết đối với phương án 2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị đổi “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thành “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” cho phù hợp với bản chất của việc đánh giá cũng như thể hiện của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không nên thay đổi vì Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư đều quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Đáng chú ý, theo cả hai phương án, đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường đều thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công.

"Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) và Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng. Đến thời điểm này, nhiều nội dung vẫn chưa được Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. Vì thế, việc thay đổi đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường dù thu hẹp hay mở rộng hơn trong dự án Luật cần rất thận trọng," Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình với phương án hai, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, cách tiếp cận của phương án này phù hợp với bản chất của vấn đề.

Đề xuất tích hợp bảy loại giấy phép môi trường thành một ảnh 4Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, theo đại biểu, tiêu chí phân loại dự án tác động môi trường về cơ bản khác với tiêu chí phân loại dự án quy định tại Luật Đầu tư công. Điều này dẫn đến việc trong thực tế, có trường hợp dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhưng theo Luật Bảo vệ môi trường thì không cần đánh giá và ngược lại.

Do đó, đại biểu đề nghị cần chỉ rõ trong dự thảo Luật sẽ phải sửa đổi những quy định nào liên quan đến Luật Đầu tư công để phù hợp với phương án này.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị cần tiếp tục lấy thêm ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan về phương án 2, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Cũng lựa chọn phương án 2, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng phương án này phù hợp hơn khi quy định chỉ các dự án có tác động môi trường ở mức độ cao mới là đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ tránh gây phiền hà cho các chủ dự án. Ở các giai đoạn sau, nếu có vấn đề gì về môi trường phát sinh vẫn có thể xử lý được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục