Đêm nhạc Johann Strauss và Antonin Dvorak sẽ diễn ra tại TP.HCM

Hai tác phẩm lớn trong lĩnh vực nhạc kịch và giao hưởng, đại diện của dòng nhạc cổ điển lãng mạn của thế giới, sẽ được tôn vinh trong đêm nhạc Johann Strauss và Antonin Dvorak.
Đêm nhạc Johann Strauss và Antonin Dvorak sẽ diễn ra tại TP.HCM ảnh 1Một cảnh trong vở hài nhạc kịch 'Con Dơi' do các nghệ sỹ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. (Ảnh: N.Tân)

Đêm nhạc "Johann Strauss và Antonin Dvorak" là chương trình kỷ niệm 23 năm ngày công diễn đầu tiên của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO).

Hai tác phẩm lớn trong lĩnh vực nhạc kịch và giao hưởng, đại diện của dòng nhạc cổ điển lãng mạn của thế giới, sẽ được tôn vinh trong đêm kỷ niệm chặng đường hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp của HBSO.

Trong phần 1, các nghệ sỹ của Nhà hát sẽ biểu diễn những trích đoạn đặc biệt nhất trong vở hài nhạc kịch “Con Dơi” của nhà soạn nhạc lừng danh người Áo Johann Strauss với sự tham gia của các giọng ca xuất sắc Cho Hae Ryong, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác, Phan Hữu Trung Kiệt, Vũ Minh Trí, Trần Thanh Nam cùng Hợp xướng và Dàn nhạc giao hưởng HBSO.

Vở nhạc kịch tái hiện lại những vấn đề xã hội trong giới thượng lưu châu Âu thế kỷ 19 qua một ngôn ngữ trào phúng, hài hước rất gần gũi với ngày hôm nay.

"Con Dơi” do đạo diễn David Hermann và nhạc trưởng người Đức Askan Geisler dàn dựng, vừa được biểu diễn thành công trong Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu 2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về âm nhạc, đây cũng là một trong những tác phẩm nổi bật của Johann Strauss II, người được mệnh danh là “Ông vua của nhạc valse."

Rất nhiều bài hát và trích đoạn của vở nhạc kịch đã trở nên nổi tiếng, được yêu mến rộng rãi, được biểu diễn thường xuyên.

Phần 2 của chương trình hòa nhạc sẽ biểu diễn Bản giao hưởng số 8 của nhà soạn nhạc người Séc Antonín Dvořák. Dvorak là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của trường phái âm nhạc lãng mạn châu Âu thế kỷ 19. Ông được mời sang Mỹ làm Hiệu trưởng Nhạc viện Quốc gia của Mỹ ở New York, đặt nền móng cho việc đào tạo và phát triển âm nhạc hàn lâm cho quốc gia này.

Bản giao hưởng số 8 của Dvorak được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1890 tại Prague và sau đó trở nên nổi tiếng khắp châu Âu. Đây là một trong những tác phẩm tâm huyết nhất của ông, mang đậm dấu ấn văn hóa của người Bohemian, quê hương ông - với vẻ đẹp thuần túy của sự lạc quan, tươi mới và những âm điệu thôn dã.

Chỉ huy toàn bộ chương trình là nhạc trưởng Trần Nhật Minh.

Chương trình sẽ ra lúc 20 giờ ngày 9/9 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.