Đến Cần Thơ khám phá Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền tại Đình Bình Thủy

Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy đáo lệ mỗi năm 2 lần là lễ Thượng điền và lễ Hạ điền nhằm thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt.
Đến Cần Thơ khám phá Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền tại Đình Bình Thủy ảnh 1Tiết mục nghệ thuật khai mạc Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền Đình Bình Thủy năm 2023. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Nếu có dịp đến với Cần Thơ vào tháng 4 âm lịch, du khách sẽ có cơ hội được tham dự lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền ở Đình Bình Thủy, lễ hội lớn nhất trong năm ở Cần Thơ.

Đình Bình Thủy nằm trên tuyến quốc lộ 91 thuộc địa phận phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5km.

Đình Bình Thủy (Long Tuyền Cổ Miếu), xây dựng năm 1844 là công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam Bộ.

Đình được dựng vào năm 1844, ban đầu có tên là Long Tuyền, nhưng do đình tọa lạc tại phường Bình Thủy nên người dân quen gọi là Đình Bình Thủy. Đây là công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam Bộ.

Đình thờ Thành hoàng và nhiều danh nhân ở tòa chính điện, chính giữa là bàn thờ chính, bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác và bàn thờ Tiền Hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có bàn thờ Hậu thần, hai bên là hai bàn thờ Hữu bang và Tả bang.

Phía ngoài đình có hai miếu lớn thờ Thần Nông và Thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Sau này người dân đưa thêm những người có công với nước vào thờ như Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa…

[Khánh Hòa: Lễ hội Tháp Bà Ponagar tưởng nhớ Thiên Y Thánh Mẫu Ana]

Lễ hội Kỳ Yên Đình Bình Thủy được tổ chức nhằm thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt. Hình ảnh người dân mở mang bờ cõi, khai hoang mảnh đất này được thể hiện qua từng nghi lễ và phần hội vô cùng đặc sắc, nguyện cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, tạo môi trường gắn kết cộng đồng.

Với ý nghĩa to lớn và nhiều nghi lễ mang đậm tính nhân văn, vào tháng 1/2018, Lễ hội Kỳ Yên Đình Bình Thủy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy đáo lệ mỗi năm 2 lần là lễ Thượng điền (diễn ra trong 3 ngày từ 12-14/4 âm lịch) và lễ Hạ điền (14-15 tháng Chạp) với các nghi lễ như Lễ đưa Sắc Thần du ngoạn, Lễ tế Thần Nông, Lễ Thay khăn Sắc Thần, Lễ Xây chầu- Đại bội, Lễ Chánh tế, Lễ Tôn Vương, Lễ tế Sơn Quân.

Lễ hội bắt đầu bằng Lễ đưa Sắc Thần du ngoạn, Sắc Thần sẽ được cung nghinh lên long xa, đi qua khắp các phường của quận Bình Thủy để người dân chiêm bái.

Sau khi đưa Sắc Thần về an vị, hương chức đình tiến hành Lễ tế Thần Nông. Thần Nông là vị thần cai quản việc trồng trọt, chăn nuôi của nhà nông nên chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân Nam Bộ.

Tiếp đó là lễ tế Đinh Công Chánh Tôn Thần, người có công kiến lập Đình Bình Thủy. Trong Lễ Thay khăn Sắc Thần, Hương chức sẽ phơi Sắc và phủ vải điều mới lên Sắc Thần nhằm bố cáo với dân làng việc bảo quản Sắc Thần vẫn rất chu đáo và trang nghiêm.

Lễ Xây chầu-Đại bội là dịp để dân làng tưởng nhớ nguồn cội, đề cao vị thế con người trong vũ trụ và cầu mong điều tốt lành.

Lễ Chánh tế là nghi thức quan trọng nhất, nhằm tạ ơn Thần đã phò trợ dân làng.

Trong lễ Tôn Vương, sau khi vãn hát tuồng San Hậu, đoàn nghệ sỹ hát bội với nhân vật thủ vai Vua sẽ dẫn đầu đoàn tiến vào chánh tẩm. Vai Vua sẽ dâng ấn kiếm với ý nghĩa đã được tôn Vương. Đây cũng là nghi thức hồi chầu kết thúc ba ngày đêm hát bội.

Lễ tế Sơn Quân sẽ khép lại một kỳ Thượng Điền với cầu mong về cuộc sống an lành, ấm no.

Đến Cần Thơ khám phá Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền tại Đình Bình Thủy ảnh 2Hội thi Mâm xôi nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ Kỳ Yên Thượng Điền năm 2023. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Năm 2023, Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền ở Đình Bình Thủy đã được Ủy ban Nhân dân quận Bình Thủy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức từ 30/5 đến 1/6 (nhằm ngày 12 đến 14/4 Âm lịch) với nhiều nghi lễ truyền thống như Lễ đưa Sắc Thần du ngoạn, lễ tế Thần nông, thay khăn Sắc thần, lễ Túc Yết, lễ Chánh tế.

Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, thể thao như triển lãm sách, báo; chương trình Tìm về di sản; lễ hội bánh ngon, hội thi mâm xôi nghệ thuật, hát tuồng cổ, giao lưu Đờn ca tài tử; giải xe đạp mở rộng, giải cờ tướng quận Bình Thủy.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thủy Lê Phước Lợi khẳng định lễ hội là sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc ở địa phương. Việc giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội góp phần khẳng định những giá trị truyền thống lâu đời của đất và người Cần Thơ.

Thời gian tới, Quận Bình Thủy sẽ chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng, phát triển Lễ hội Kỳ Yên ở Đình Bình Thủy thành một hoạt động du lịch-văn hóa, tín ngưỡng thường niên với quy mô cấp thành phố; phát triển Đình Bình Thủy thành điểm du lịch văn hóa đặc thù, hấp dẫn, là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.