Đến năm 2020, ngành dịch vụ chiếm 65% cơ cấu kinh tế Đà Nẵng

Theo Mục tiêu tổng quát của Đề án Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng, đến năm 2020 ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 62-65%.
Đến năm 2020, ngành dịch vụ chiếm 65% cơ cấu kinh tế Đà Nẵng ảnh 1Du khách Pháp đi xích lô tham quan thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Mục tiêu tổng quát của Đề án Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 vừa được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt sẽ tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng từng lĩnh vực trong cơ cấu được xác định.

Theo đó, đến năm 2020, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 62-65%; công nghiệp-xây dựng: 35-37%; nông nghiệp 1-3%.

Theo đề án này, Đà Nẵng sẽ hoàn thiện và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nâng cao trình độ phát triển và chất lượng phục vụ của các ngành dịch vụ; tập trung phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ có lợi thế cạnh tranh như du lịch, thương mại, viễn thông, vận tải, dịch vụ logistics, giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế...

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; xây dựng Đà Nẵng thành đô thị du lịch ven biển chất lượng cao, trở thành trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch có chất lượng, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế.

Thành phố sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; ưu tiên khai thác các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược (Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, ASEAN, Australia); tập trung khai thác, duy trì và mở rộng hiệu quả các thị trường Nga, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi.

Đề án cũng xác định thành phố sẽ tập trung tái cơ cấu đầu tư theo hướng tăng đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư, trong đó đầu tư công tập trung cho phát triển hạ tầng, những lĩnh vực là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội, những ngành mũi nhọn và là động lực để thu hút đầu tư.

Đồng thời thành phố tranh thủ tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để phục vụ quá trình tái cơ cấu kinh tế, nhất là thu hút đầu tư các dự án có tiềm năng về vốn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao và công nghệ sạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.