Đền thờ Hai Bà Trưng nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị huyện Phúc Thọ mở rộng không gian di tích đền Hát Môn để xứng tầm công lao của Hai Bà Trưng.
Quang cảnh lễ hội đền Hát Môn. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 5/4, Lễ hội kỷ niệm 1974 năm Ngày Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân nhà Hán giải phóng đất nước, 1971 năm Ngày mất của Hai Bà Trưng và đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn đã long trọng diễn ra tại Đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đến dự và dâng hương tưởng niệm.

Phát biểu tại Lễ hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: việc Đền Hát Môn được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt làm khởi sắc diện mạo của vùng đất cổ xứ Đoài.

Đối với huyện Phúc Thọ và xã Hát Môn, niềm vinh dự, tự hào khi Đền Hát Môn được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, song cũng đòi hỏi từ dấu mốc này phải tiếp tục nỗ lực, tôn tạo, giữ gìn và bảo tồn di tích, xứng tầm với vị thế của một di sản lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý, huyện Phúc Thọ bổ sung, hoàn thành dự án mở rộng không gian di tích, hoàn thiện một số hạng mục công trình, để khu di tích xứng tầm với công lao to lớn của Hai Bà Trưng.

Đồng thời, phối hợp tốt với các bộ, ngành của Trung ương, thành phố Hà Nội thống nhất các giải pháp để quản lý, bảo tồn bền vững và phát huy toàn diện, có hiệu quả các giá trị của di tích.

Thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát huy giá trị lịch sử-văn hóa của di tích Đền Hát Môn vào hoạt động du lịch, coi đây là điểm sáng của mô hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái của khu vực xứ Đoài.

Đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ là nơi gắn với những thánh tích độc đáo của Hai Bà trong cuộc chiến đánh đuổi giặc Đông Hán. Đây cũng là nơi Hai Bà tuẫn tiết tại cửa sông Hát vào ngày mùng 6 tháng 3 năm Quý Mão, tức năm 43 sau Công Nguyên.

Di tích Đền Hát Môn là một quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng ở phía Bắc làng cổ, trên một khu đất có thế long chầu hổ phục, phía trước là gò con rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả.

Từ nhiều năm nay, ngôi Đền vẫn được bảo tồn với các hạng mục: Quán Tiên (Miếu Các Cô), cổng Tứ trụ, Nghi môn, đền chính, nhà Tạm ngự, nhà Ngự dội (Mộc dụng), nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, khu nhà khác và không gian lễ hội rộng lớn.

Để tỏ lòng tri ân và tôn kính đối với Hai Bà Trưng, hàng năm, nhân dân địa phương đều tổ chức Lễ hội truyền thống vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch với những nét riêng, độc đáo.

Ngoài phần lễ, phần hội cũng thu hút đông đảo nhân dân 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện hưởng ứng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Năm nay, huyện Phúc Thọ cũng đẩy mạnh tuyên truyền về công lao, sự nghiệp của Hai Bà Trưng và các tướng của Hai Bà Trưng ngay tại lễ hội, thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân và du khách thập phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục