Theo ghi nhận tại hiện trường của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đến sáng 31/7, đèo Bảo Lộc vẫn bị phong tỏa, chưa thể lưu thông.
Các ngành chức năng, chính quyền địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai tại những khu vực bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng đã tổ chức phân luồng, hướng dẫn các phương tiện giao thông từ thành phố Đà Lạt đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
Tuyến đèo Bảo Lộc hiện vẫn bị phong tỏa hai đầu, chưa thể lưu thông. Tại hiện trường vụ sạt lở ở chốt Cảnh sát Giao thông trên đèo Bảo Lộc, hàng trăm khối đất đá vẫn ngổn ngang. Lực lượng cứu hộ tiếp tục công tác tìm kiếm nạn nhân còn lại và giải tỏa hiện trường vụ sạt lở.
Trước đó, lực lượng chức năng gồm khoảng 100 người, cùng nhiều phương tiện xe cơ giới, máy múc xuyên đêm thực hiện công tác cứu hộ, giải tỏa hiện trường nhưng do lượng đất đá quá lớn nên hiện mới chỉ dọn dẹp được một phần mặt đường để phục vụ công tác cứu hộ. Các phương tiện khác chưa thể lưu thông.
Sáng 31/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Công điện số 6579/CĐ-Ủy ban Nhân dân, khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão trên địa bàn.
[Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai công tác phòng chống thiên tai và sạt lở.
Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và thành phố Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai huy động lực lượng tại chỗ, tăng cường nhân lực, máy móc, phương tiện, thiết bị để tập trung tổ chức cứu hộ, cứu nạn tại khu vực sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc; chuẩn bị các phương án, nhân sự, phương tiện để sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan cứu nạn, cứu hộ, tham gia khắc phục hậu quả ngay khi có sự cố xảy ra và đưa ngươi dân đến nơi an toàn.
Ủy ban Nhân dân các huyện và hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc khẩn trương rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan đơn vị, doanh trại bên sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn, trong đó tập trung vào các khu vực đồi núi trọc, các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện gần các khu dân cư.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát và có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống công trình kênh mương, hồ chứa, thủy lợi, thủy điện, công trình đang thi công dở dang trên địa bàn để chủ động ứng phó, nhất là các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.
Sở Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát để phát hiện kịp thời và xử lý các đoạn đường có nguy cơ mất an toàn giao thông; chuẩn bị vật tư dự phòng, huy động máy móc, trang thiết bị để kịp thời khắc phục sự cố; xây dựng, phân luồng giao thông đối với các tuyến đường huyết mạch, đảm bảo kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh thông suốt, an toàn, nhất là phương án điều tiết, tổ chức giao thông đối với tuyến Quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc, đèo Mimoza.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, hiện tại, đèo Bảo Lộc đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng hướng dẫn các phương tiện giao thông từ thành phố Đà Lạt đi Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng từ Đà Lạt tới ngã ba Lộc Sơn, rẽ phải đi huyện Bảo Lâm, qua đèo Con Ó, qua thị trấn Đạ Tẻh, đến Đạ Huoai rồi theo Quốc lộ 20 đi Thành phố Hồ Chí Minh. Hướng lưu thông từ Thành phố Hồ Chí Minh đi theo hướng qua huyện Đạ Huoai (thị trấn Mađaguôi) qua thị trấn Đạ Tẻh, qua đèo Con Ó, tới huyện Bảo Lâm, tới ngã ba Lộc Sơn về thành phố Đà Lạt./.