Vượt lên những khó khăn về thị trường, sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu dệt may khác, dệt may Việt Nam vẫn giữ vững vị trí tốp 5 trong số các nước xuất khẩu dệt may năm 2015. Điều này thể hiện sự cố gắng bền bỉ không mệt mỏi của tất cả các doanh nghiệp trong ngành.
Trước dự báo 2016 sẽ là một năm nhiều biến động trong cả thị trường tài chính, tiền tệ và cả mức độ tăng trưởng của thế giới, nhiều doanh nghiệp dệt may không khỏi lo ngại trước những khó khăn thách thức mà họ sẽ phải vượt qua để xuất khẩu cán đích.
"Nước xa không cứu được lửa gần"
Chia sẻ những khó khăn trước mắt mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty May Hưng Yên-Công ty cổ phần, cho biết cùng với việc Fed điều chỉnh lãi suất tăng và giá xăng dầu giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp. Chẳng hạn, hàng xuất khẩu vào Mỹ sẽ có sự so sánh với các nước xung quanh khu vực là đã điều tiết đồng nội tệ giảm. Vì thế, nếu làm phép tính sẽ thấy hàng Việt Nam đắt hơn và họ sẽ chuyển đơn hàng sang Indonesia, Myanmar thậm chí lại sang Trung Quốc.
Ước vọng hưởng lợi từ các Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mới chỉ dừng lại trên giấy và vẫn chưa thể thực hiện ngay được.
Ngay cả TPP thực hiện sớm nhất cũng phải năm 2017 hay EVFTA cũng vậy bởi khi Quốc hội các nước ký xong thì cũng phải chuẩn bị đủ các thủ tục thì mới có thể áp dụng được.
Do đó, có thể nói "nước xa không cứu được lửa gần" khi kề sát tới đây là việc tăng giá đầu vào và sự cạnh tranh của nước khác. Vì vậy, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành dệt may.
Cùng quan điểm này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng cho rằng đến giờ phút này ngoại trừ nền kinh tế Mỹ là có nhiều tín hiệu cho thấy đã phục hồi hoàn toàn.
Biểu hiện rõ nhất là đã nâng trở lại lãi suất của Fed trong giai đoạn vừa qua. Nhưng những thị trường như châu Âu, Nhật Bản và một số nước đang phát triển khác tín hiệu tăng trưởng kinh tế không cao nên xác định tổng cầu năm 2016 của thế giới vẫn chỉ tương đương 2015.
Ngoài ra, dự báo giá dầu tiếp tục ở mức thấp trong năm 2016 chứng tỏ nguồn giá nguyên liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến dệt may như xơ polyeste, các xơ sợi làm từ các sản phẩm tổng hợp từ hóa dầu cũng sẽ thấp. Điều này sẽ kéo theo các sản phẩm tự nhiên như bông, các cây có sợi khác cũng phải giảm theo để cạnh tranh. Vì vậy, mặt bằng giá chung cho sản phẩm năm 2016 là không tăng.
Từ những nguyên nhân này, ông Lê Tiến Trường ước lượng về mặt tổng cầu và đơn giá của năm 2016 sẽ khó có sự thay đổi nếu không nói đơn giá sẽ còn thấp hơn cả 2015 nếu xu thế giá dầu xuống dưới 30 USD.
Trong bối cảnh này, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ đạt từ 8-10% bởi vì các Hiệp định thì chưa có hiệu lực, cầu thấp, đơn giá thấp nhưng tăng trưởng về sản lượng có thể đạt từ 11-12%. Nếu như vậy dệt may vẫn có thể tăng trưởng thêm trên 2 tỷ USD và có thể đạt từ 29,5 đến 30 tỷ USD vào năm 2016.
Chủ động đón cơ hội
Nhìn lại kết quả năm 2015, dù không đạt được kết quả như mong đợi 27,5 tỷ USD và chỉ dừng lại ở 27 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước nhưng ông Lê Tiến Trường vẫn khẳng định đây là sự cố gắng của cả một tập thể doanh nghiệp sau một năm đầy biến cố.
Theo ông Lê Tiến Trường, sở dĩ dệt may năm nay “lỡ hẹn” bởi mặt bằng giá chung của toàn thế giới nhất là giá các nguyên liệu chính như dầu thô, bông đều thấp đã kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp giảm. Bởi vậy mà dù năm 2015 sản lượng làm ra của các doanh nghiệp dệt may tăng nhưng do đơn giá thấp nên kế hoạch của cả năm chỉ ngấp nghé ở con số 99%.
Hơn nữa, các quốc gia sản xuất dệt may lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc phá giá đồng nội tệ “biến” sản phẩm của họ có giá thành thấp hơn Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu dệt may không cán đích.
Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2016 cũng như đón đầu cơ hội từ những FTA thế hệ mới mang lại, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Vinatex, cho biết mới đây, Tập đoàn đã đưa vào hoạt động ba dự án sản xuất các loại nguyên liệu gồm sợi Phú Hưng, nhà máy dệt nhuộm I-an-dai tại Long An và nhà máy sợi cao cấp đặc biệt tự động hóa cao nhất tại Việt Nam để tạo ra nguồn sợi chất lượng cao cho nhà máy I-an-dai. Đồng thời, Tập đoàn cũng mua lại nhà máy sản xuất vải tại khu vực Hòa Khánh (Đà Nẵng) để cung cấp thêm các loại vải sản xuất quần tại khu vực này.
Cùng với đó, hiện tại Vinatex đang có sáu dự án may đang triển khai tại các vùng và đang nằm trong chuỗi liên kết sản xuất dệt kim cũng như quần áo dệt thoi và veston mới.
Dự kiến, các dự án này sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2016 còn dự án sợi Nam Định sẽ hoàn thành trong quý 1/2016 và đang chuẩn bị để bắt đầu đi vào đầu tư khu Liên hợp sợi-dệt-nhuộm tại Quế Sơn (Quảng Nam). Khu này với quy mô khoảng 12.000 tấn vải dệt kim/năm, đủ sức cung ứng sản phẩm vải dệt kim cho quy mô sản xuất may cỡ khoảng 15.000 lao động và trở thành vệ tinh liên kết trong các chuỗi cung ứng.
"Mục tiêu đến năm 2020 dệt may phải đạt 65% tỷ lệ nội địa trong hàng hóa sản xuất. Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2018 tại thời điểm cả TPP và EVFTA có hiệu lực thì Vinatex phải chủ động khoảng 60% nguồn nguyên liệu từ sợi và từ vải trở đi để đáp ứng điều kiện của hai Hiệp định này," ông Trần Quang Nghị khẳng định./.