Dệt may Việt Nam tận dụng CPTPP tiếp cận thị trường Canada

Việc tiếp cận với một chính sách thuế quan tốt hơn giúp dệt may Việt Nam có thể tăng thị phần tại Canada lên 12-14%, tương đương mức tại các thị trường lớn khác.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Quang Thịnh/TTXVN)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Quang Thịnh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ngày 16/5, tại thành phố Montreal đã diễn ra hội thảo “Dệt may Việt Nam và CPTPP” do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đứng ra tổ chức, thu hút sự tham gia của 35 doanh nghiệp Canada.

Đoàn Việt Nam, do ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex dẫn đầu, có sự góp mặt của 5 doanh nghiệp thành viên gồm May 10, Dệt may Hoà Thọ, Dệt may Huế, Dệt May Hà Nội và Đầu tư Phát triển Vinatex.

Tổng nhu cầu hàng dệt may của 500 triệu dân trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lên đến 83 tỷ USD.

Trong khi đó, năm 2018, giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường CPTPP mới chỉ dừng ở con số 5,3 tỷ USD, chiếm 6,3% thị phần.

Hiện nhu cầu hàng dệt may của Canada vào khoảng 13-14 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm 5% thị phần, tương đương với mức của Campuchia.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ: “Thị phần này hoàn toàn chưa tương xứng với vị thế của một nước xuất khẩu dệt may đứng thứ hai thế giới như Việt Nam. Chúng ta đang có thị phần tại Mỹ lên tới 14%, thì việc thị phần tại Canada còn thấp thực sự là một tiềm năng cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, nhất là khi Canada và Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP."

[Hiệp định CPTPP: Mở rộng cánh cửa vào thị trường Canada]

Theo ông, tất cả các doanh nghiệp hiện đều có cơ hội tiếp cận với một chính sách thuế quan tốt hơn nếu thỏa mãn được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Đây là lý do chính để trong hai năm 2018 và 2019, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đều tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, gặp trực tiếp các nhà nhập khẩu để bán các sản phẩm/dịch vụ của ngành dệt may Việt Nam sang thị trường Canada.

Trong năm 2018, ngay cả khi CPTPP chưa có hiệu lực, dệt may Việt Nam đã tăng trưởng tới 19,7% tại thị trường Canada.

Ông bày tỏ hy vọng đây là cách tiếp cận đúng để Việt Nam có thể tăng thị phần tại Canada lên 12-14%, tương đương mức tại các thị trường lớn khác.Ông David Ostroff, Chủ tịch công ty David O International khẳng định, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Canada là rất lớn.

Mức giá của Việt Nam có thể so sánh với của Trung Quốc và điều này có ý nghĩa đối với Canada. Các doanh nghiệp Việt Nam làm việc có tổ chức và hiệu quả.

Đặc biệt, việc Canada được tiếp cận thị trường Việt Nam với mức thuế quan 0% là một bước thay đổi lớn, nhất là trong bối cảnh đồng CAD của Canada khá yếu trên thị trường quốc tế. Đây đúng là thời điểm để Việt Nam xâm nhập thị trường Canada.

CPTPP được kỳ vọng sẽ là cú hích để hàng dệt may của Việt Nam “tấn công” thị trường Canada. Đáng chú ý, 42,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Canada có thuế 0% ngay từ năm đầu tiên của hiệp định. CPTPP cũng mở rộng cửa hơn cho các doanh nghiệp Canada khi tiếp cận các thị trường năng động nhất tại châu Á-Thái Bình Dương.

Nhu cầu phải đa dạng hóa thương mại quốc tế chưa bao giờ lại trở nên cấp bách hơn thế đối với Canada, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ leo thang tại Mỹ và mối quan hệ giữa Ottawa với Bắc Kinh đang trong giai đoạn khủng hoảng.

Trên sân chơi CPTPP, đây được đánh giá là “thời điểm vàng” để Việt Nam và Canada đẩy mạnh trao đổi thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.