Di sản ca trù trước thử thách bước khỏi… vùng an toàn

Ca trù Việt đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới nhưng vẫn trong tình trạng “cần được bảo vệ khẩn cấp” suốt gần một thập kỷ qua.
Phục dựng không gian hát cửa đình tại đình Hàng Kênh (Hải Phòng). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

“Hồng hồng Tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…” Ngưng câu hát, nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân - người cả đời gắn bó với ca trù lặng đi.

Nói về loại hình nghệ thuật này, ca nương nổi danh đất Hà thành say sưa, mê mải cả ngày không hết chuyện. Dẫu vậy, chị vẫn không giấu được buồn nơi đáy mắt, giọng đầy day dứt. Đã hơn 30 năm ca trù cuốn chị đi…

Những tâm sự, khắc khoải của chị cũng là nỗi niềm của không ít ca nương, kép đàn trước thực trạng của ca trù sau gần một thập kỷ được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.

Ca trù Việt đã được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới nhưng vẫn “cần được bảo vệ khẩn cấp” suốt gần 10 năm qua. Chúng ta đang thiếu một chiến lược tổng thể, thống nhất trong việc phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bài 1: ‘Loay hoay’ trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp

“Từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, ca trù đã xuất hiện nhiều hơn trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị cũng được chú trọng hơn,” nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân nhìn nhận.

Một thời ngược dòng… phù suy

Ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt. Loại hình nghệ thuật này từng rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước.

Trong lịch sử, ca trù thường được trình diễn ở các đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, ca quán và dinh thự của quan lại, trí thức... Bởi vậy, ca trù có nhiều hình thức thể hiện: hát thờ, hát thi, hát tế tiên sư...

Theo kết quả điều tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi lập hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, loại hình nghệ thuật này có ở 17 tỉnh, thành phố trong cả nước.

[Photo: Điểm mặt các di sản ở Việt Nam được UNESCO vinh danh]

“Di sản của cha ông quý là vậy mà từng có thời kỳ (khoảng giữa thế kỷ 20), ca trù bị phủ bóng bởi những định kiến nặng nề, khiến nó mai một đi nhiều. Người ta ác cảm với ca nương, đào hát nên quay lưng lại với ca trù. Việc thực hành, truyền dạy bị gián đoạn, chìm vào quên lãng trong một khoảng thời gian khá dài,” nghệ sỹ Bạch Vân kể.

Miên man trong câu chuyện, người nghệ sỹ đã ở tuổi lục tuần hồi tưởng lại thời kỳ ngược dòng… phù suy. Nghiệp ca nương vận vào Bạch Vân khi chị còn là một thiếu nữ tuổi đôi mươi. Sau một đêm nghe tiếng hát của nghệ nhân nổi tiếng Quách Thị Hồ, chị từ bỏ tất cả ước mơ, hoài bão nuôi dưỡng, vun trồng từ nhỏ để theo ca trù.

Ca nương Bạch Vân. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

10 năm đằng đẵng, Bạch Vân mải miết, ngược xuôi đi tìm lại những tư liệu cũ, những nghệ nhân xưa ở Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa… “Tìm được các nghệ nhân đã khó, nhưng làm sao để các cụ rũ bỏ được mặc cảm ‘cô đầu’ một thời lại là một hành trình gian nan hơn. Tôi thường xuyên bị các nghệ nhân và gia đình xua đuổi, coi như kẻ vô duyên ngày ngày tới làm phiền họ,” nghệ sỹ nhớ lại.

Chị còn nhớ như in “gáo nước lạnh” mà nghệ nhân Quách Thị Hồ dội vào lời thỉnh cầu theo học ca trù của chị cách đây chừng ba thập kỷ: “Học làm gì hả con? Con bà thì không học. Cháu gái bà dù có chất giọng đẹp như thế mà cũng không thể sống chết với ca trù. Ở ta, ca trù chỉ có… lụi thôi.”

Tuy nhiên, từ những năm 1990, cùng với sự “chuyển mình” về mọi mặt của đời sống xã hội, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian khác, ca trù được nhận diện lại, khẳng định giá trị.

Tháng 10/2009, ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn của UNESCO, ca trù thể hiện ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên một trong những nét đặc trưng của ca trù.

Chuyển mình nhờ lớp trẻ

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, kể từ thời điểm ca trù được UNESCO vinh danh tới nay, công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này đã có những bước tiến đáng kể.

“Từ thời điểm năm 2005 trở về trước, hai chữ ‘ca trù’ khá xa lạ với cộng đồng, thậm chí lạ lẫm ở chính những địa phương có di sản. Trong khoảng thời gian đó, khi đi điền dã ở các tỉnh/thành phố có di sản này, trước câu hỏi về ca trù, không ít cán bộ quản lý ở cấp xã (thậm chí cả cấp huyện) hỏi ngược lại tôi rằng: ‘ca trù là cái gì?’,” Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) kể.

Tuy nhiên, đến nay, ca trù đã được phổ biến hơn trong cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ. Ca trù được biểu diễn trong nhiều chương trình văn hóa-nghệ thuật, lễ hội… Thậm chí, từ năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức liên hoan tài năng ca trù trẻ.

Bên cạnh đó, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan cũng cho biết, từ việc thiếu vắng đội ngũ kế thừa, thực hành, ca trù đã hình thành được lực lượng đào nương, kép đàn kế cận khá đông đảo. Đây là một trong những kết quả quan trọng của quá trình phục hưng và phát triển ca trù trong đời sống đương đại.

Ở thời điểm ca trù được UNESCO vinh danh, Việt Nam có khoảng 20 nghệ nhân. Ngoài ra, số lượng người biết đàn, hát ca trù rất ít. Điều này đặt ra vấn đề về đội ngũ ca nương, kép đàn kế cận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ca trù đã hình thành được đội ngũ đào nương, kép đàn mới.

Thí sinh nhí tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014. (Ảnh: TTXVN)

Vào năm 2009, các ca nương trẻ chỉ hát được khoảng ba thể cách (hát nói, hát xẩm, hát ru). Sau 5 năm, họ hát được khoảng 11 thể cách. Đến nay, các đào nương thuộc thế hệ mới đã hát được gần 20 thể cách trong tổng số 34 thể cách của ca trù.

Ngoài ra, ở giai đoạn năm 2008-2009, ca trù đối mặt với nguy cơ không còn kép đàn tài năng khi cả nước chỉ có khoảng hai, ba nghệ nhân đàn thực thụ. Tuy nhiên, đến nay, di sản này đã có khoảng 10 “tay đàn” có chuyên môn, kỹ thuật tốt.

Đó là những bước tiến đáng kể trong việc phục hưng và phát huy giá trị di sản ca trù. Tuy nhiên, ở góc độ khác, thực trạng bảo tồn ca trù vẫn còn nhiều “nốt trầm.”./.

Bài 2: ‘Chông chênh nhịp phách, câu ca’: Vì đâu… nên nỗi?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục