Năm 2019 được đánh giá là năm bội thu của ngành du lịch Việt Nam với nhiều giải thưởng danh giá được các tổ chức uy tín thế giới trao tặng, đạt kỷ lục về lượng khách quốc tế đến... Đặc biệt, trong giai đoạn mới, lãnh đạo ngành đã xác định trọng tâm cho du lịch nước nhà là tập trung vào du lịch di sản.
Trước thềm năm mới, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã trao đổi ngắn với phóng viên về vấn đề này.
[Lần đầu tiên tái hiện 'Tết phố' tại khu Phố cổ Hà Nội]
- Được biết, năm 2019 là năm tiếp tục gặt hái nhiều thành công của du lịch nước nhà. Vậy xin ôngcho biết đâu là những dấu ấn quan trọng của “ngành công nghiệp không khói”?
Ông Ngô Hoài Chung: Kết thúc năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đột phá, được lãnh đạo Chính phủ khẳng định điều hành về du lịch là một điểm nhấn trong điều hành đất nước trong năm 2019.
Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018; đón 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6% so với năm 2018; tổng thu du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018.
Cùng với những thành tựu hết sức rực rỡ đã được nhiều cơ quan báo chí đánh giá là kỳ tích của du lịch Việt Nam thì chúng ta tiếp tục được Tổ chức Du lịch thế giới, các tạp chí và chuyên san uy tín về du lịch đánh giá và vinh danh bằng những giải thưởng cao quý như: “Điểm đến hàng đầu châu Á,” “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á,” “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019,” “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019,” “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.”
Để đạt được thành tích này, trước hết phải khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành để tham gia vào du lịch với tư cách ngành dịch vụ tổng hợp.
Và đặc biệt, không thể không nói đến vai trò hàng đầu của các doanh nghiệp du lịch, những người trực tiếp hàng ngày lăn lộn để đưa, đón khách vào Việt Nam và phục vụ một chách chu đáo, nhiệt tình. Các doanh nghiệp đã xây dựng những sản phẩm hấp dẫn, độc đáo và khác biệt để góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như khẳng định sức mạnh cạnh tranh của du lịch nước nhà, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành du lịch Việt Nam.
- Như nhiều người đã biết thì Việt Nam đã được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019.” Vậy Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp như thế nào với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh di sản Việt Nam cũng như thu hút du khách đến nhiều hơn với du lịch Việt, thưa ông?
Ông Ngô Hoài Chung: Có thể nói di sản Việt Nam, văn hóa Việt Nam là một trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam. Trong năm vừa qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa, di tích văn hóa thì chúng ta đã từng bước bổ sung những hệ thống dịch vụ, hệ thống hạ tầng giao thông, các điều kiện kinh doanh để đưa di sản, di tích Việt Nam từ chỗ là tài nguyên du lịch trở thành một điểm đến du lịch hoàn thiện.
Bởi chúng ta đều biết, nếu không có đầu tư về hạ tầng, về điều kiện dịch vụ, về lưu trú phục vụ khách, nơi ăn uống, cũng như bán hàng lưu niệm… thì di sản, di tích sẽ không thể trở thành điểm đến du lịch được.
Chính vì vậy, việc đầu tiên cần khẳng định là trong những năm vừa qua với sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư về du lịch, nhất là những nhà đầu tư chiến lược, đã góp phần tạo ra sức hút cho điểm đến thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, từ đó tạo sức hút cho các di sản Việt Nam.
Thứ hai là việc quảng bá và giới thiệu những tài nguyên di sản văn hóa, kể cả di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, nếp sống của con người Việt Nam ra thế giới là vô cùng cần thiết. Bởi chúng tạo ra sự khác biệt, chất lượng và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Bởi văn hóa Việt Nam rất phong phú, giàu đẹp và bản sắc văn hóa của chúng ta có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch quốc tế.
Việc thứ ba theo chúng tôi là cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa là công tác quảng bá, xúc tiến thông qua các Hội chợ du lịch quốc tế, Roadshow, đặc biệt là qua các đoàn farm, các blogger…, đưa họ đến với Việt Nam để họ cảm nhận được vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa Việt Nam, từ đó thông qua uy tín của họ để họ tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới.
- Trong bối cảnh đó, ông đánh giá thế nào về việc sử dụng loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh trong việc quảng bá các di sản, di tích Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế mà chúng ta đang làm?
Ông Ngô Hoài Chung: Năm 2020 là năm Chính phủ giao cho ngành du lịch Việt Nam những nhiệm vụ hết sức nặng nề về việc đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, 2020 cũng là năm kỷ niệm 60 năm ngành du lịch Việt Nam, đây là thời cơ rất quan trọng để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu về tài nguyên, điểm đến cũng như những sản phẩm của du lịch Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, thu hút du khách đến.
Việc sử dụng các loại hình nghệ thuật trong đó có bộ môn nhiếp ảnh là rất cần thiết để chúng ta giới thiệu hình ảnh đất nước tươi đẹp, con người Việt Nam giàu lòng mến khách, thân thiện, cởi mở, Việt Nam là điểm đến an toàn một cách đẹp đẽ nhất, chân thật nhất. Những hình ảnh đó có thể mang một thiên nhiên Việt Nam hùng vỹ, nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc đến gần hơn với thế giới./.